Văn mẫu lớp 5

Tả cảnh ở một nhà ga lúc tàu khởi hành hoặc cập bến

Tả cảnh ở một nhà ga lúc tàu khởi hành hoặc cập bến

Hướng dẫn

Tả cảnh ở một nhà ga lúc tàu khởi hành hoặc cập bến

Bài làm 1

Cách nhà Thủy Tạ một quãng là bên xe Bờ Hồ — Hà Đông. Lần nào về quê, bà cũng dẫn tôi ra bến xe. Những chiếc xe ka-rô-sa có nhiều chỗ ngồi rộng và dài như căn nhà một tầng vững chãi. Quang cảnh bến xe thật nhộn nhịp. Túm tụm bên những quán nước trên vỉa hè, từng nhóm người đang đợi xe hay đợi người nhà, ngồi uống nước, trò chuyện. Bà và tôi lên ngồi trên một chiếc xe đã đầy người. Từ trên xe nhìn xuống, tôi thấy những chiếc xe lam đang vội vã chở khách đến cho kịp giờ ôtô chạy. Một chiếc xích lô nhanh nhẹn chở mấy bà cháu kia đến bến. Người bà dắt tay đứa cháu chạy về phía xe tôi đang ngồi hớt hơ hớt hải hỏi:– Đây có phải chuyến xe đi Hà Đông không hả mấy bác, mấy chú?– Vâng! Đúng đấy ạ! Mời bà và các cháu lên xe.Lúc này, người soát vé đã cầm chiếc túi da đi bán vé cho từng vị khách. Gia đình nhà kia chắc là về thăm quê, Ông bố vai đeo hai túi du lịch, bà mẹ một tay dắt đứa con năm, sáu tuổi, một tay xách chiếc lặn đỏ nặng trịch bước lến xe một eách khó nhọc. Khi mọi người đã ngồi đông đủ cả rồi, bác tài mở khóa, nhấn ga. Toàn bộ chiếc xe rung lên đều đều, rồi xe bắt đầu lăn bánh, từ từ rời bến. Nhìn lại, tôi thấy xung quanh bến xe còn rất đông người. Đối diện cửa hàng bách hóa và cửa hàng thiếu nhi Bờ Hồ là bến xe tắc xi. Trông loại xe này chỉ bằng một phần tư chiếc ka-sô-ra, thường chở bốn người chạy trong vùng nội ô thành phố. Nó nhỏ nhỏ, xinh xinh như chiếc xe điện tử bố mình mua cho mình hồi tết năm ngoái. Nghe nói, đi loại xe đó đắt tiền lắm, người giàu có mới đi. Trước đây, cả thành phố chỉ có vài chục chiếc, nhưng mấy năm trở lại đây loại tắc xi này phát triển nhiều lắm, riêng một bến xe đã có đến hàng trăm chiếc.Xe chở bà và tôi càng đi xa, bến xe càng khuất dần, khuất dần, rồi mất hút sau những hàng cây và nhà Thủy Tạ.Ngồi trên xe mà tôi cứ nghĩ hoài về cái bến xe Hà Đông. Từ đó, bà cháu tôi ung dung trở về thăm quê. Rồi từ quê bà cháu tôi lại trở về thành phố, xuống ở cái bến xe Hà Đông này. Nó chính là một trong những đầu mối nối liền thành thị với thôn quê.

Bài làm 2

– Con xem hộ mẹ mấy giờ rồi?– Mẹ chờ con chút xíu.Ngước nhìn đồng hồ treo tường, kim đồng hồ chỉ đúng mười bảy giờ, mình vội trả lời mẹ:– Mười bảy giờ đúng rồi mẹ ạ! Mẹ cho con đi đón bố với nhé!Hai mẹ con mình vừa mới đến bến xe chưa được năm phút thì một. chuyến xe đó cũng vừa về tới. Từ trong phòng đợi, một số người đi đón người nhà như hai mẹ con mình nhấp nhỏm đứng dậy, đăm đắm nhìn về hướng chiếc xe đò vừa đỗ lại. Một số chú chạy xe lôi, hon-đa ôm, xích lô và cả xe ba gác nữa đang đứng đầy ở hai cửa xe. Cửa vừa mới mở, lần lượt hành khách xách va li, hành lí từ trong xe bước xuống đã được các chú chạy xích lô nhanh nhẹn xách hộ hành lí, cầm tay dẫn đi. Có người còn đứng lại, đưa mắt quan sát như muốn tìm người nhà, người quen. Trên mui xe, người phụ xe thoăn thoắt mở dây buộc hàng hóa, chuyển đồ xuống dưới cho khách. Tiếng gọi, tiếng kêu, tiếng chào mời ầm ĩ cả lên. Mẹ mình bảo: “Mẹ trông xe, con chạy lại xem bố có đi chuyến này không?”. Mình bước vội đến chỗ xe đậu, thấp thỏm mong bố sẽ về chuyến xe này. Khách đã ra về quá nửa, trong xe chỉ còn dăm bảy người đang lúi húi buộc hành lí của mình để xụống xe. Không thấy có bố, mình bước lại gần bác tài hỏi nhỏ: “Thưa bác, đây là chuyến xe thứ mấy ạ?”. Bác quay lại nhìn mình mỉm cười: “Cháu đi đón bố hay mẹ phải không? Xe của bác về chuyến nhất đấy! Còn ba chuyến nữa cháu ạ!”. Mình cám ơn bác rồi chạy về với mẹ: “Bố chưa về mẹ ạ! Con hỏi bác tài bảo xe này về chuyến đầu, còn những ba chuyến nữa. Chắc là bố đi chuyến sau”.

Xem thêm:  Tả lại một ca sĩ đang biểu diễn bài hát mà em thích

Lúc này, một số người đi đón chưa thấy người nhà cũng đã trở lại phòng đợi. Nắng đã bắt đầu nhạt dần. Bãi đỗ xe cũng đã thưa người đi lại. Thỉnh thoảng, một vài chiếc xe hon-đa đảo một vòng quanh, bãi, rà sát vào phòng đợi như tìm kiếm ai, rồi đột nhiên rú ga vọt ra cổng để lại một làn khói mờ tan nhanh trong sương chiều. Trong phòng đợi, những người đi bán dạo tay xách, nách bưng đi hết người này đến người khác đon đả mời chào: “Dì mua giùm con chục bánh! Chú mua thuốc! Vé số ngày mai đây!…” Giờ này, chỉ còn những người bán thuốc lá có vẻ bán được hơn cả. Khách đợi muốn đốt thời gian nên người mua một vài điếu, kẻ mua một bao. Chị bán thuốc chạy lăng xăng qua lại ra chiều phấn khởi lắm. Trời chưa tối mà bóng đèn trong phòng đợi và ngoài bãi đậu đã bật sáng tự bao giờ. Hai mẹ con dắt xe lại dưới bóng đèn cao áp gần cổng ra vào. Mẹ nói: “Trời sắp tối rồi, đứng ở đây, bố con dễ nhận thấy.” Vừa mới dắt xe đi được một đoạn đã thấy chuyến xe khách thứ hai từ ngoài cổng rẽ vào bến đậu. Lại một tốp nữa, chừng năm bảy ông xích lô, ba gác… chạy lẽo đẽo theo hông xe và đuôi xe để đón khách. Chiếc xe dừng lại. Cảnh tượng y như chiếc xe đầu diễn ra. Cửa mở, hành khách từ từ bước xuống. “Bố về rồi mẹ ạ! Mẹ đứng đây, để con chạy lại”. Mình nhảy vội xuống xe, lật đật chạy về hướng xe đậu: “Bố! Bối”. Hình như không nghe được tiếng mình gọi bởi âm thanh của những chiếc xe máy, tiếng người gọi nhau ầm ĩ… Bố mình lách người ra khỏi đám đông, đặt hành lí xuống, đứng nhìn quanh. – Bố! Con gọi mãi mà bố chả nghe!Vừa nhìn thấy mình, nét mặt bố rạng rỡ hẳn lên. Lúc này mẹ mình cũng vừa dắt xe đến nơi.– Hai mẹ con chờ lâu chưa?– Khoảng hai mươi phút rồi anh ạ! Anh đưa túi nhỏ cho em rồi bỏ túi du lịch lên ba gác trước, ta về đi!Bố cho xe nổ máy, bật công tắc đèn, xe từ từ lăn bánh. Qua khỏi cổng, nó lướt nhanh về khu trung tâm thị xã ngập tràn ánh điện.

Bài làm 3

Trên sân ga, một đoàn tàu đã chờ sẵn, dài như một con rắn khổng lồ, bất động. Những khung cửa sổ mở rộng như những con mắt tò mò. Người đổ về các cửa toa, bước đi vội vã. Tiếng một cô gái trong trẻo vang lên lanh lảnh trên loa phóng thanh càng làm tăng thêm không khí khẩn trương, nhộn nhịp.Một gia đình chắc là về thăm quê, gồm có bố mẹ và hai đứa con. ông bố thì xách hai tay hai chiếc va li du lịch, bà mẹ bế đứa con chừng ba tuổi, tay kia xách chiếc làn, bên trong nhô lên đầu một cái chai và mấy chiếc bánh mì. Đứa con lớn chừng năm tuổi, một tay cầm khăn mặt, một tay níu áo bố. Nó bước những bước vội vàng, hốt hoảng, chỉ sợ bị tụt lại, lạc mất bố mẹ. Mấy anh thanh niên khoác vai nhau bước chậm rãi, chuyện trò ầm ĩ, thỉnh thoảng chỉ trỏ rồi phá lên cười. Một cô gái sau khi đưa bà mẹ già lên toa, chạy xuống đứng dưới đất ngóng lên cửa sổ nói chuyện. Từ bên trong, bà mẹ ló đầu qua cửa sổ nói to như sợ cô gái không nghe thấy: “Thôi con về đi! Đừng bận tâm về mẹ!” Cô gái “vâng” một tiếng nhỏ nhẹ nhưng vẫn đứng nguyên chỗ cũ. “Con đã điện cho chị Hai đón! Mẹ nhớ ra cửa đứng ở cột đèn cao áp để chị Hai thấy, mẹ nhé!”. Tuy dặn dò cẩn thận nhưng cô gái vẫn đứng dưới cửa toa tàu nhìn mẹ lo lắng. Âu đó cũng là tâm trạng của những người con khi phải để mẹ già đi một mình không có người thân bên cạnh.Loa phóng thanh đã báo giờ tàu chạy. Trên sân ga, những người chậm chạp nhất cũng đã lên hết các toa. Lúc ấy, các nhân viên mặc đồng phục nhà ga, tay cầm cờ nhỏ tỏa về các phía. Trước cửa ga, bước ra một người đường bệ với cái vòng tròn như vòng của các cô đồng diễn thể dục. Bố mình nói đó là ông trưởng tàu. Ông đưa còi lên thổi một hồi dài. Tiếp đến là tiếng còi tàu cất lên từng hồi, từng hồi một. Con tàu giật khẽ lên mấy cái rồi từ từ lăn bánh, trườn đi như con trăn khổng lồ. Những người trên sân ga đưa một cánh tay lên cao vẫy chào tạm biệt người thân. Vài người cố đi dọc theo con tàu một đoạn như không muốn rời xa người đi. Cô gái tiễn mẹ ban nãy đứng cách mình không xa chợt nói to: “Mẹ ơi! Mẹ nhớ mặc áo ấm vào nhé!”Sân ga lát sau đã trở lại yên ắng. Những người đưa tiễn lần lượt rời khỏi sân ga một cách chầm chậm.

Xem thêm:  Tả cảnh trường em vào một buổi sáng đẹp trời hay nhất - 3 bài văn miêu tả quang cảnh trường học

Bài làm 4

– … “Bỗng có tiếng còi tàu rúc từ xa nghe rờn rợn. Rồi tiếng bánh xe nghiến ầm ầm trên đường ray. Con tàu như một con rắn khổng lồ đen trùi trũi xuất hiện. Từ mũi con rắn khổng lồ ấy phụt lên những luồng khói trắng từ từ tan nhanh trên bầu trời xanh. Từ những ô cửa sổ đoàn tàu ló ra những cánh tay vẫy vẫy, những khuôn mặt như ngóng trông ai. Con tàu chầm chậm tiến vào sân ga. Tàu dừng hẳn. Người lên xuống chen chúc ở các cửa toa. Tiếng gọi nhau í ới. Tiếng chào gặp nhau vang lên, dạt dào niềm vui và phấn khởi. Đoàn người lần lượt hướng về cửa ra trông như đi trẩy hội. Kẻ khoác ba lô, người kéo va li… Gương mặt người nào người ấy toát lên vẻ phấn chấn, tươi tỉnh mặc dầu đã trải một cuộc hành trình dài hàng trăm, hàng ngàn cây số…”– … “Tiếng còi tu tu, tiếng bánh xe. nghiến trên đường ray ầm ầm, ken két. Mọi người vui mừng nhổm dậy ngóng ra cửa sổ. Đoàn tàu tiến vào ga chầm chậm rồi dừng hẳn lại. Tiếng một cô gái vang lên từ loa phóng thanh: “Tàu đã đến ga Hòa Hưng. Xin quý khách thu dọn hành lí để xuống tàu! Mời quý khách đi theo cửa sổ một phía đầu đoàn tàu và cầm sẵn vé trên tay”. Những toa xe từ từ mở cửa, hành khách ở các toa đổ xuống. Nét mặt ai cũng mệt mỏi bơ phờ sau một chuyến đi dài, nhưng ánh mắt họ lại ánh lên một niềm vui vì được trở về nhà. Cảnh gặp mặt diễn ra thật cảm động. Mọi người ôm chầm lấy nhau, tay bắt mặt mừng, chuyện trò rôm rả. Trong khi dáo dác tìm ông, bất chợt tôi bắt gặp cảnh sum họp của một anh bộ đội với bà mẹ. Bà tuổi đã cao ôm lấy anh con trai, mắt nhòa lệ làm cho ai nhìn thấy cũng không cầm được nước mắt.Lúc này, không khí ở nhà ga thật ồn ã với đủ thứ âm thanh: tiếng quát tháo của mấy anh bốc vác đang chuyển hành lí cho khách, tiếng cãi nhau của mấy chú xích lô tranh giành nhau khách, tiếng rao bán của mấy người hàng rong… Khách đã xuống gần hết mà mình vẫn chưa thấy Ngoại đâu. Chợt mẹ gọi: “Hồng Loan! Ngoại đây này!” Mình quay lại. Đúng là ngoại đây rồi. Mình chạy tới ôm chầm lấy Ngoại, miệng chào hỏi rối rít. Mẹ vẫy một chiếc tắc xi đang đậu gần đây, rồi đưa mọi người lên xe trở về nhà. Bấy giờ, nhà ga đã yên tĩnh hơn, chỉ còn tiếng bước chân của những anh bảo vệ, tiếng bàn tán lao xao của những người đi đón người thân không gặp đang sà vào các quán nước, ngồi đợi chuyến tàu sau. Nhà ga như tạm lắng vào sự yên tĩnh để chuẩn bị cho một hoạt động nhộn nhịp của chuyến tàu tiếp theo…”

Theo Nguồn: Bailamvan.edu.vn

Post Comment