Phân tích nhân vật Cám trong chuyện cổ tích Tấm Cám
Tổng hợp những bài làm văn Phân tích nhân vật Cám trong chuyện cổ tích Tấm Cám hay nhất của các bạn học sinh giỏi văn đạt điểm cao. Mời các bạn đọc tham khảo và dựa vào đây viết cho mình một bài văn Phân tích nhân vật Cám thật hay. Chúc các bạn luôn luôn học tập tốt.
Phân tích nhân vật Cám trong chuyện cổ tích Tấm Cám – Bài làm 1
Trong kho tàng truyện cổ tích dân gian của nước ta có nhiều truyện cổ hay nhưng truyện cổ tích Tấm Cám luôn có sức sống vô cùng mãnh liệt, gắn liền với tuổi thơ của mọi thế hệ Việt Nam. Truyện cổ tích Tấm Cám thể hiện cuộc chiến không khoan nhượng giữa cái thiện và cái ác trong cuộc sống xã hội thời xưa.
Trong đó có hai nhân vật chính đại diện cho hai phe thiện và ác. Trong đó, phe thiện chính là nhân vật Tấm người luôn chịu áp bức, bóc lột người chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống. Nhân vât Cám là nhân vật đại diện cho tầng lớp bóc lột, cho những cái xấu cái ác tồn tại trong xã hội. Là một nhân vật luôn tìm cách cướp đi công sức thành quả lao động của người khác.
Những trang viết của truyện cổ tích Tấm Cám thể hiện tinh thần nhân văn sâu sắc của chuyện. Nó thể hiện sự chiến thắng tuyệt đối của cái thiện với cái ác. Những cái ác cuối cùng sẽ bị tiêu diệt, còn cái thiện sẽ được gặp nhiều may mắn, gặt hái được thành quả và hạnh phúc.
Đồng thời nó thể hiện sự vùng lên mạnh mẽ của của tầng lớp bị áp bức bóc lột, của những người dân thấp cổ bé họng luôn luôn bị đè nén, cướp bóc.
Nhân vật Cám là một nhân vật đại diện cho cái ác, Cám có mọi đức tính xấu, lười lao động, thích hưởng thụ, thường xuyên nghĩ ra những mưu mô xảo quyệt để bóc lột thành quả của những người lương thiện tốt bụng như Tấm.
Khi mẹ của Cám sai Tấm và Cám đi mò cua bắt ốc, nhưng Cám vốn ỉ lại, lười làm nên chỉ mải chơi không chịu mò cua bắt tép, nên khi trời tối trong giỏ của Cám chẳng có gì cả. Nhưng Cám vốn đa mưu túc kế, nên Cám đã nói với Tấm rằng: Chị Tấm ơi chị Tấm đầu chị lấm. Chị hụp cho sâu kẻo về mẹ mắng.
Thể hiện sự khôn ngoan, mưu mô thâm hiểm của Cám. Khi Tấm xuống ao tắm, Cám đã trút giỏ tôm tép của Tấm vào giỏ mình rồi chạy về nhà lấy công với mẹ, để mặc Tấm ngơ ngác, lo lắng với cái giỏ rỗng. Mọi tội trạng Tấm phải gánh chịu, phải nghe những lời chửi bới đánh đập của mẹ kế.
Khi Tấm được nhà vua để ý rồi cưới làm Hoàng Hậu, do đố kỵ với hạnh phúc của Tấm rồi lòng tham nổi lên Cám đã có âm mưu táo bạo hơn, không chỉ là việc cướp một giỏ tôm tép bình thường nữa, mà nó là một tội ác lớn lao hơn. Cám âm mưu giết Tấm để cướp vị trí hoàng hậu của nàng.
Ngày giỗ cha, Tấm về giỗ cha báo hiếu với gia đình nhưng Tấm hiền lành không thể ngờ rằng Cám đang chờ cô với âm mưu lớn. Khi Tấm trèo lên cây cau hái quả thì Cám và mẹ mình ở dưới chặt gốc cây cau khiến cho Tấm ngã xuống ao mà chết.
Cuộc chiên đấu với cái thiện và cái ác chính thức bắt đầu. Sau khi chết Tấm hiểu ra mọi vấn đề, do chết oan nên cô không siêu thoát đầu thai kiếp khác mà linh hồn hóa thành chim vàng anh. Cám do sự thông minh, quỷ quyệt của mình nên sớm nhận ra con chim vàng anh kia chính là linh hồn Tấm. Cám âm mưu giết chim vàng anh ăn thịt.
Điều này cho thấy Cám vô cùng độc ác không hề ân hận trước hành động giết chị cùng cha khác mẹ, mà ngược lại còn ác tới tận cùng không quay đầu hối cải. Cám âm mưu giết chim vàng anh là giết Tấm lần hai.
Cám khong chỉ giết Tấm một lần mà giết Tấm tới hai ba lần, từ chim vàng anh, khung cửi, cây xoan đào…hễ Tấm hóa thân thành cái gì thì Cám đều âm mưu giết hại. Sự độc ác của Cám là điều không thể chối cái, Cám không bao giờ biết sai, không bao giờ cảm thấy lương tâm cắt dứt ân hận, mà tội ác chồng chất lên nhau.
Chính vì vậy, để tồn tại bắt buộc cái thiện trong cuộc sống phải tìm cách mạnh mẽ vươn lên. Chính vì vậy, Tấm đã tìm cách để lấy lại những gì mình đã mất, tìm lại công lý, cho mình.
Sau mỗi lần bị Cám giết hại, Tấm không còn yếu đuối, ngồi khóc nức nở chịu nhịn nhục nữa mà đã kiên cường đứng lên, chống trả lại cái ác, đòi lại công bằng cho chính mình.
Cuối cùng thì Tấm đã lấy lại được vị trí của mình, đòi lại được sự công bằng trong cuộc sống. Còn Cám phải chịu quả báo, chịu thiệt mạng bởi những tội ác mà cô ta gây ra. Cám là một kẻ cho tới chết vẫn không đền hết tội, không chịu hối cải, sống lương thiện mà cô ta vẫn luôn độc ác, độc ác tới tận lúc chết.
Vì vậy, việc Tấm trả thù Cám, lừa Cám tìm tới cái chết là một kết quả xứng đáng cho con người mưu mô, nham hiểm, luôn muốn cướp đoạt thành quả hạnh phúc của người khác.
Trong cuộc chiến đấu giữa cái thiện và cái ác, cái thiện luôn luôn chiến thắng, thể hiện niềm tin mong muốn của người nông dân ta thời xưa luôn đứng về phía công lý, lẽ phải.
Phân tích nhân vật Cám trong chuyện cổ tích Tấm Cám – Bài làm 2
Tấm Cám là một trong những truyện cổ tích nổi tiếng nhất của Việt Nam. Câu chuyện mang nhiều yếu tố kì ảo. Nói về cuộc đấu tranh chống lại cái ác để giành lấy hạnh phúc. Truyện có hai tuyến nhân vật thiện và ác. Thiện với đại diện là Tấm và ác với đại diện là Cám.
Nhân vật Cám là nhân vật ác, nhưng cái ác của Cám lại bị chi phối nhiều bởi người mẹ- cũng là dì ghẻ của Tấm.
Nhân vật Cám trong câu chuyện không có nhiều đôi thoại hay lời dẫn kể cụ thể nhiều về ngoại hình hay tính cách, chỉ được phác họa sơ qua là em cùng cha khác mẹ với nhân vật Tấm. Cám được mẹ cưng chiều từ nhỏ, tính cách bị ảnh hưởng từ người mẹ rất nhiều. Khi hai chị em Tấm Cám đi bắt tôm tép, trong khi chị Tấm chăm chỉ, cần mẫn bắt tôm cá thì Cám lại ham chơi, lười nhác, còn lừa Tấm, trút hết tôm tép từ giỏ đầy của Tấm sang giỏ của mình, ngang hiên không chút hổ thẹn mang chiến tích về khoe mẹ để giành lấy chiếc yếm đào.
Trong khi Tấm- người chị có tâm hồn vô cùng trong sáng và lương thiện luôn biết nhường nhịn em nhưng cô em lại không biết điều, luôn tìm cách lấy phần hơn, giành phần hơn với chị mình. Trong khi trái tim cô chị Tấm luôn hướng về những điều lương thiện thì trái tim cô em gái Cám chỉ toàn chứa đựng những điều đen tối và độc ác. Cám luôn ghen tị với chị. Lười nhác nhưng luôn lươn lẹo, bịp bợm để lấy được phần thắng về cho mình.
Mẹ con Cám luôn tìm cách hại Tấm, làm những điều xấu xa với Tấm. Công việc trong gia đình, Cám lừa cho Tấm hết, nào chăn trâu, căt cỏ, tất tần tật các công việc nhà. Không những thế, còn hùa vào với mẹ soi mói, hắt hủi, đay nghiến Tấm
Khi Tấm được chọn làm hoàng hậu, Cám thấy ghen tị vô cùng. Mặc dù là hoàng hậu, nhưng Tấm vẫn rất giản dị, vẫn mang tâm hồn đơn thuần. Tấm không quên ngày giỗ bố, ngày về còn năng nổ đi hái cau, nhưng Cám lại thừa dịp đó để mưu hại chị. Cùng mẹ đang tâm lừa gạt Tấm trèo cây cau rồi ở bên dưới lấy dao đi chạy, khiến Tấm chịu cái kết đau. Tấm muốn đi chơi hội nhưng mẹ con Cám không cho, còn làm bao chuyện gây khó dễ, đổ đấu thóc với đấu gạo trộn chung bắt Tấm nhặt sạch thóc ra thóc, gạo ra gạo mới cho phép đi chơi hội. Ngay cả khi Tấm được vào cung thì lòng ghen ghét đố kị của chúng không thể nào ngưng. Chúng năm lần bảy lượt giết hại Tấm, Tấm chết hóa thành chin vàng anh, mẹ con Cám cũng tìm cách bắt thịt chim vàng anh. Tấm biến thành khung cửi, mẹ con Cám cũng đem khung cửi đi đốt thành tro. Mang tiếng cùng chung huyết thống, cùng cha, cùng sinh sống trong một mái nhà, lớn lên, trưởng thành cùng nhau mà Cám không có chút lòng trắc ẩn nào dành cho chị mình cả. Cám ích kỉ, chỉ biết nghĩ cho mình.
Nhưng cuộc đời vốn rất công bằng, những chuyện ác đông, trái với lương tâm của mẹ con nhà Cám cũng phải chịu kết cục xứn đáng. Hành trình của cái thiện dù có gian nan bao nhiêu nhưng chắc chắn vẫn có thể đánh bại được cái ác. Mẹ con Cám sau nhiều lần hại Tấm và cuối cùng cũng nhận lại cái chết đau đớn. Đó là bỏng nước nóng mà chết. Vì không thể trắng như Tấm cho nên Cám đã nghe lời xúi bậy của người khác mà dội nước nóng vào người. Có thể nói rằng cái ác không bao giờ tồn tại được lâu và thường bị hủy diệt. Cái ác ấy ban đầu rất đắc thắng có thể thống trị những người khác song thì cái kết cục sẽ không bao giờ thoát khỏi cái chết. Hành trình cái ác rất ngắn ngủi.
Như vậy qua đây ta có thể thấy rằng cái thiện và cái ác của câu chuyện cổ tích Tấm Cám được thể hiện ngay ở những nhân vật trong truyện, cái thiện là Tấm và cái ác là Cám. Đồng thời ta thấy được ý nghĩa của câu chuyện rằng cái thiên luôn luôn trường tồn mãi mãi mà bất cứ một sự độc ác nào cũng không thể giết chết sức sống đó được. Cái ác kia thì sẽ bị hủy diệt mà thôi.
Phân tích nhân vật Cám trong chuyện cổ tích Tấm Cám – Bài làm 3
Truyện cổ tích Tấm Cám đã đi vào tiềm thức bao bạn nhỏ hình ảnh thân thương về người con gái với cái tên rất trìu mến, thân thương: cô Tấm. Nếu như Tấm mang đến cho người đọc bài học về đức tính hiền lành, nết na, nhân hậu thì Cám lại là lời tố cáo cho những kẻ sống ích kỷ, độc đoán đố kị.
Câu truyện kể về gia đình Tấm sau khi bố chết, Tấm ở với mẹ con dì ghẻ và Cám. Hết lần này đến lần khác Tấm bị họ hãm hại, ám sát. Nhưng sau tất cả, ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác, Tấm được hưởng cuộc sống hạnh phúc bên nhà vua, còn mẹ con Cám phải chịu cái chết thương tâm cho những gì mình đã gây ra.
Cám Tấm là hai chị em cùng cha khác mẹ. Bố mất, nhưng Cám may mắn hơn Tấm vì còn có mẹ. Nhưng đáng tiếc người mẹ ấy lại ác độc, tham lam nên đương nhiên bà cũng truyền dạy những tính cách ấy cho con mình. Khi ra đồng bắt cá tranh phần thưởng, Cám mải chơi, lọc lừa chị để lấy hết phần cá của chị mang về nhà trước nhận thưởng, khiến Tấm đau khổ khóc lóc. May mắn trong giỏ của Tấm còn xót lại một con cá Bống, nghe lời Bụt, Tấm đem về nhà thả xuống giếng nuôi. Nhưng Cám lại cùng mẹ bắt Bống giết thịt. Lại một lần nữa Cám khiến chị phải khóc. Ít lâu sau, nhà vua mở hội kén vợ. Cám được mẹ nuông chiều, lấy hết quần áo đẹp đi chơi, còn bắt Tấm phải nhặt hết thóc và lúa rồi mới được đi. Nhưng đồng hành với cô Tấm hiền lành, tội nghiệp luôn có ông Bụt đầy quyền năng và phép lạ. Còn người đồng hành với Cám lại là mụ dì ghẻ ác độc, xấu xa. Có thể thấy cuộc đời Tấm tuy thiệt thòi hơn Cám nhưng thực chất lại may mắn hơn Cám.
Với sự hậu thuẫn của Bụt, Tấm được kén làm vợ vua. Mẹ con Cám ganh tị, hết lần này đến lần khác, Cám nghe lời mẹ giết hại chị. Dù sao cũng là cùng một cha, nhưng dường như giữa hai chị em không có một chút tình thân nào. Cám sống theo sự thuần hóa của mẹ, trở thành kẻ ác độc, vô tâm. Chị chết, Cám vào cung thay chị làm vợ vua. Nhưng tác giả cổ tích đâu để mọi chuyện kết thúc dễ dàng như vậy. Trong khi họ luôn tin rằng cái thiện ắt sẽ chiến thắng cái ác. Cái thiện là bất diệt. Tấm chết hóa thành chim vàng anh bay về quẩn quanh bên chồng. Cám lại về mách mẹ tìm cách giết vàng anh. Vàng anh chết, chỗ cám vứt lông mọc lên hai cây xoan đào. Duyên phận và sự bất diệt của cái thiện đã đưa vua đến bên gốc cây, gắn bó với cây như một người bạn thân thiết. Thấy vậy, Cám lại về bàn với mẹ chặt hai cây xoan đi làm khung cửi. Lần này, Tấm mạnh mẽ hơn khi chửi thẳng vào mặt Cám:
Kẽo ca kẽo kẹt
Lấy tranh chồng chị
Chị khoét mắt ra
Cám tuy sợ nhưng vẫn quyết tâm tiêu diệt Tấm đến cùng. Cám đốt khung cửi vứt tro ra thật xa. Những tưởng làm vậy Tấm sẽ không còn tồn tại nữa, nhưng tại chỗ đó lại mọc lên cây thị. Điều lạ lùng trên cây chỉ có duy nhất một quả. Bà lão đi qua thấy thị thơm bèn hái về để trong nhà. Ít lâu sau, bà phát hiện nàng Tấm trong đó, bà xé toang vỏ thị để Tấm ngày ngày sống với bà như hai mẹ con. Nhà vua đi qua ghé vào chơi, nhận ra vợ mình, đưa về cung. Lần này, Tấm trở lại bằng xương bằng thịt của một con người thực sự. Điều đó càng làm mẹ con nhà Cám nổi lòng ganh ghét. Từ ganh gét đi đến sự mù quáng, ngu dốt, họ nghe theo lời Tấm đào hố đổ nước sôi vào để được xinh đẹp như Tấm.
Cám chết. Câu chuyện kết thúc nhưng bài học về lối sống ích kỷ vẫn còn mãi trong thông điệp mà tác giả dân gian muốn gửi gắm tới thế hệ sau. Cám vừa đáng thương vừa đáng giận. Đáng thương vì Cám là kết quả của một người mẹ ích kỷ, độc đoán. Nhưng lại đáng giận vì Cám không phân biệt được phải trái, đúng sai, luôn thuận lòng làm theo tất cả những tội ác mẹ bày ra.
Có ý kiến cho rằng, Cám đáng thương hơn Tấm. Vì cả hai đều mất cha. Cám tuy còn mẹ nhưng người mẹ ấy lại độc ác, tham lam, biến Cám trở thành công cụ của bà ta cho những mưu mô xảo trá của mình. Còn Tấm tuy không còn mẹ, nhưng đồng hành với Tấm luôn là bậc thần tiên hiền lành, đầy phép lạ. Mụ dì ghẻ luôn đứng về phía con mình, chở che cho con nhưng cách làm của bà đã biến Cám thành kẻ sát nhân. Còn Tấm không có tình thương của mẹ, không được vòng tay mẹ bao bọc như Cám, nhưng mụ dì ghẻ kia làm sao có thể sánh với ông Bụt của cõi trời?
Nếu Cám một lần được gặp Bụt, liệu rằng Cám có tỉnh ngộ và không phải nhận lấy bi kịch đau thương như ở cuối truyện? Nếu cám là nạn nhân của lòng ích kỷ, của sự tham lam từ người mẹ, tại sao không cho Cám một cơ hội làm lại từ đầu? Và chỉ trừng phạt mụ dì ghẻ vì mụ mới chính là kẻ chủ mưu trong tất cả mọi kế hoạch hãm hại Tấm. Nhưng trong quan niệm dân gian, cái ác luôn bị diệt trừ tận gốc. Những điều mẹ con Cám làm ắt phải nhận lấy hậu quả thích đáng. Còn Tấm vốn tính hiền lành, nết na nên tất nhiên được hưởng phúc dù có phải trải qua nhiều lần chất dưới tay Cám.
Dù sao đi nữa, qua nhân vật Cám, người đọc cũng thấm thía bài học về lòng nhân đức ở đời. Sống không nên tham lam, ích kỷ và độc đoán. Hãy sống yêu thương, chan hòa và đùm bọc lẫn nhau. Người dưng nước lã còn có thể cho nhau miếng ăn lúc khó khăn, huống chi người thân trong gia đình cùng gọi chung một người là cha.
Cảm ơn các bạn các bạn vừa đọc xong top những bài làm văn Phân tích nhân vật Cám trong chuyện cổ tích Tấm Cám hay nhất. Chúc các viết cho mình một bài văn Phân tích nhân vật Cám thật hay và đạt được kết quả cao.