Phân tích 13 câu đầu bài thơ Vội vàng
Bài làm
Nhà thơ Xuân Diệu là người được biết đến với những vần thơ táo bạo, mới lạ, những điều tưởng chừng khá dị và cũng không kém phần triết lý. Quan điểm sống của Xuân Diệu luôn là sống hết mình, yêu hết mình để không lãng phí tuổi xuân và cuộc đời. Ta có thể tim hiểu điều đó kỹ hơn qua tác phẩm Vội vàng. Trong bài thơ này, tác giả đã miêu tả vẻ đẹp của cuộc sống trong bức tranh mùa xuân muôn màu muôn vẻ ở lời đề từ và 9 câu thơ đầu.
Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất;
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi.
Của ong bướm này đây tuần trăng mật;
Này đây hoa của đồng nội xanh rì;
Này đây lá của cành tơ phơ phất;
Của yến anh này đây khúc tình si.
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi;
Mỗi sáng sớm, thần vui hằng gõ cửa;
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần;
Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa:
Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân.
Trong lời đề từ, tác giả đã bày tỏ khát khao níu giữ cảnh sắc xuân thì của đất trời. Điệp từ “tôi muốn” đã công khai bộc lộ những gì là ước ao của bản thân nhà thơ. Nhà thơ đã muốn màu nắng không nhạt, và hương gió thì không phôi pha. Bởi vì nắng gió đó là hương vị của đất trời, là những gì tinh hoa, đượm trong mùa xuân. Nó khiến con người cảm nhận được sự ấm áp của cảnh sắc và như được tắm mình trong hương xuân.
Nhà thơ sử dụng hàng loạt hình ảnh tự nhiên, con vật:ong bướm, yến anh; cây cỏ: hoa, đồng nội, lá, cành tơ… khiến cho bức tranh xuân trở nên rực rỡ sống động. Không những vậy, trong những câu thơ này, tác giả còn phối kết hợp giữa những chuyển động của sự vật hiện tượng: phơ phất, chớp hàng mi cùng âm thanh sôi động: khúc tình si, gõ cửa, tất cả sự phối hợp đó đã khiến cho mùa xuân hiện lên trong bài bừng sức sống, tươi sáng và rực rỡ.
Tất cả những sự vật hiện tượng được nhắc đến đều đang bước vào độ xuân sắc, vào thời điểm tươi đẹp nhất: đối với ong bướm đó là tuần của mật ngọt, đối với cây cỏ đó là sự sinh sôi nảy nở, cây cối non xanh mơn mởn, đối với những chú yến anh đó là khúc hót say sưa, vang vọng, mọi vật đều ở ngưỡng cửa bắt đầu, đều như gõ cửa chờ đợi được tiến vào.
Đối với Xuân Diệu, mùa xuân là thời điểm đẹp nhất, nó là mùa của sự sinh sôi nảy nở, vạn vật hồi sinh. Tuổi trẻ của con người cũng giống như mùa xuân vậy, tại đó chúng ta có thể làm nhiều điều, trải nghiệm được những khoảnh khắc đẹp nhất của đời người.
Nhà thơ bày tỏ nỗi niềm sung sướng trước mùa xuân nhưng cùng với đó là sự thấp thỏm, nỗi lo lắng vì mùa xuân ngắn ngủi và mình phải sống sao cho có thể tận hưởng trọn vẹn mùa xuân của đất trời.
Quan niệm sống này của nhà thơ Xuân Diệu cũng từng được ông nhắc đến:
Thà một phút huy hoàng rồi vụt tắt
Còn hơn buồn le lói suốt ngàn năm.
Đối với tác giả, việc sống hết mình, cống hiến và hưởng thụ hết mình mới là điều quan trọng, không phải cứ sống dai, sống dài, sống lay lắt mà không hưởng thụ được gì mới là vui. Xuân Diệu hiểu rằng mùa xuân của đất trời thì còn tuần hoàn, còn trở đi trở lại nhưng mỗi một con người thì chỉ có một mùa xuân trong đời mà thôi. Vì vậy nếu không tận hưởng, không sống hết mình thì ta có thể lỡ mất tuổi trẻ, lỡ mất thanh xuân ý nghĩa. Có câu ngạn ngữ: “Hãy sống như là ngày mai ta sẽ chết”, chúng ta hãy sống hết mình, sống thật trọn vẹn đừng vì lười biếng, ỷ lại mà dồn những việc cần làm đến ngày hôm sau.
Việc nhà thơ so sánh tháng giêng với một cặp môi gần là một sự so sánh độc đáo, mới lạ trong thơ ca. Một cặp môi gần khiến cho người đối diện phải ngắm nhìn, chiêm ngưỡng đồng thời thưởng thức nó. Có lẽ ở đây, mùa xuân cũng giống như vậy nó khiến con người muốn chìm đắm muốn thưởng thức ngay tắp lự. Nhà thơ đã chẳng hối hả, vội vàng để sống và trải nghiệm cái mùa xuân ấy.
Những vần thơ của Xuân Diệu vừa khiến cho người đọc có cảm nhận rõ rệt hơn về vẻ đẹp của đất trời lại vừa nhận thức được việc sống có trách nhiệm có ý nghĩa đối với cuộc đời, với tuổi trẻ của mình.