Kể lại một kỉ niệm sâu sắc với người thân
Tổng hợp những bài làm văn Kể lại một kỉ niệm sâu sắc với người thân hay nhất của các bạn học sinh giỏi văn đạt điểm cao. Mời các bạn đọc tham khảo và dựa vào đây viết cho mình một bài văn Kể lại một kỉ niệm sâu sắc với người thân thật hay. Chúc các bạn luôn luôn học tập tốt.
Kể lại một kỉ niệm sâu sắc với người thân – Bài làm 1
Ba tôi mất từ năm tôi lên năm tuổi, mẹ tôi ở vậy nuôi hai chị em tôi khôn lớn. Lần đầu tiên tôi bước vào học lớp một, đứa bạn ngồi cạnh hỏi gia đình làm nghề gì? Tôi thật xấu hổ… chỉ dám nói mẹ mình làm nghề kinh doanh. Những ý nghĩ nói dối có lẽ bắt đầu hình thành từ khi ấy. Tôi ganh tị với lũ bạn vì ba mẹ chúng đều làm những nghề nghiệp đáng được xã hội tôn trọng, gia đình tôi, mẹ làm thợ xây, phụ hồ.
Năm học cấp I, tôi nhớ có lần mẹ đến trường đóng học phí cho tôi với quần áo đầy vôi vữa, tôi thật xấu hổ và chạy thật nhanh vào nhà vệ sinh trong trường học… Tôi nghe thấy tiếng mẹ gọi với theo: "Hải ơi… Hải ơi… mẹ đây này…!!!"… từ phía sau. Mặc dù nghe thấy rất rõ nhưng tôi vẫn lờ đi, co chân chạy thật nhanh, mong sao lũ bạn đừng chú ý biết đó chính là mẹ của tôi. Tự đóng cửa nhà vệ sinh lại rồi òa lên khóc ấm ức…
Lớn thêm chút nữa tôi học càng kém. Mẹ không chú ý đến điều này lắm phải lo kiếm thật nhiều tiền cho gia đình tôi bớt khổ cực. Mẹ không làm thợ xây nữa mà chuyển sang làm nghề bán hàng ở chợ hoa quả. Đến đêm khi chợ đã đóng cửa mẹ mang hàng ế ẩm vào bệnh viện thành phố để bán chui (vì bảo vệ cấm bán hàng rong trong viện). Tôi nhớ ngày đó tôi không được cầm chìa khóa nhà, vì mẹ sợ tôi cho lũ bạn xấu vào nhà, chúng sẽ phá phách và lấy trộm đồ dùng. Buổi sáng mẹ dậy sớm nấu cơm, mẹ để dành cơm trưa cho tôi vào cái liễn treo lên cột nhà ngoài mái hiên. Tôi chuẩn bị quần áo và cặp sách để sẵn ngoài. Tôi chỉ mong mẹ đi chợ thật sớm để được rủ lũ trẻ con ở xóm sang chơi ngoài hiên. Trước cửa nhà tôi có một cây mít rất to, lũ bạn giúp tôi ghép những miếng ván thành một "ngôi nhà'' trên cây. Tôi không còn treo cặp lồng cơm và cặp sách trên cột nhà nữa mà mang cất trong "nhà" của mình. Đến bữa, tôi ăn cơm ở đó rồi đi học. Tôi không có khái niệm học bài ở nhà, không biết nấu cơm, giặt quần áo, hay thậm chí là phải quét nhà. Tất cả mẹ làm hết. Mẹ đi làm về rất muộn, thường là tám giờ tối, tôi và em tôi thường ngồi trong ngôi nhà gỗ trên cây, lắng nghe tiếng chiếc xe đạp kêu "cót két" là biết ngay mẹ đang về nơi đầu ngõ. Có những đêm mẹ về muộn thì chị em tôi đã ngủ trên cây mít rồi.
Mùa hè lại đến, buổi sinh hoạt lớp cuối năm nay tụi bạn học cùng lớp đứa nào cũng hớn hở kể cho nhau nghe về dự định của mình trong ba tháng mùa hè. Đứa thì được bố mẹ cho về quê thăm ông bà nội ngoại, đứa thì được đi nghỉ mát ở những danh lam thắng cảnh nổi tiếng, đứa thì được bố mẹ cho tham gia vào những buổi sinh hoạt, học đàn, hát, múa ở cung văn hoá thiếu nhi… Còn với tôi, mùa hè là một địa ngục đen tối, tôi rất ghét mùa hè… vì cứ hàng năm hè đến tôi bị mẹ nhốt ở trong nhà từ sáng đến tối mịt, đến khi mẹ về chợ. Mẹ cũng nấu cơm, phần cho tôi vào cái liễn như mọi khi và cất vào trong chạn bát. Được mấy ngày đầu tôi buồn chán lắm, cách biệt với lũ bạn bên ngoài với gian nhà nhỏ bé, chi có ánh sáng vào qua ô cửa sổ nhỏ. Tôi thường đứng lên đó nhìn ngược nhìn xuôi hàng giờ lâu, chẳng có ai thèm đến chơi cả. Tôi lấy giấy ra, gấp thành máy bay, phi xung quanh nhà, nhà chật lắm nhưng nhìn những chiếc máy bay bay xung quanh được vài vòng là tôi mừng lắm rồi. Xong tôi lấy những hạt đỗ đen, đem xếp thành ô để tự chơi, chơi một mình nản lắm. Nếu tôi chơi với chúng bạn những trò này chắc chắn chúng sẽ thua tôi cho mà xem. Mãi rồi cũng chán, tôi lấy giấy, dán thành diều, buộc chỉ vào rồi chạy xung quanh nhà, lên giường, lên bàn ghế chiếc diều ấy chi lên cao được đến gần trần nhà tôi thôi. Tôi làm diều rất khéo, nếu chiếc diều này mà được mang ra khỏi nhà để thả thì lên cao phải biết! Lâu ngày, tôi nảy ra ý định trèo ra khỏi nhà, chiếc cửa số ấy, cái song sắt bé tí, chỉ cẩn tôi bẻ cong là có thể chui được đầu qua mà! Hay quá! Hôm nay tôi mong mẹ đi chợ thật sớm, ý định đó đã le lói trong đầu tôi suốt đêm hôm qua rồi.
Mẹ đã đi rồi, đèo cả em tôi đi trẻ nữa! Tôi vui mừng, sao tôi thấy mình khỏe thế, tôi nắm chắc hai thanh sắt của chấn song cửa sổ, lấy hết sức bẻ cong nó. Cuốì cùng tôi cũng bẻ cong đủ để tôi chui qua đó. Tôi mang chiếc diều của mình qua, chạy một mạch qua cánh đổng đến với lũ bạn ở đó. Thấy tôi chúng ngạc nhiên lắm! Tôi kể cho chúng nghe bí quyết ấy của tôi và dặn chúng đừng nói cho ai biết! Tôi tha hồ chạy nhảy ở bên ngoài, chơi chán ờ ngoài đổng, chúng tôi lại kéo nhau đến ngôi nhà gỗ trên cây mít, ngôi nhà nhiếu bụi bặm lắm, lá mít rụng đầy, chúng tôi dọn dẹp rồi cùng chơi các trò chơi trên đó, vui riết bao! Nhưng tôi vẫn nhớ rằng mình cần phải trở vào trong nhà trước khi mẹ về, hết giờ tôi nhanh chân trèo qua ô cửa số đó chui tọt vào trong nhà và tất nhiên tôi không quên lại bẻ thanh sắt chấn song cửa lại như cũ.
Cho đến một ngày, mẹ bất chợt về trái giờ so với qui định, tôi đang chơi ở cánh đồng thì thấy mẹ đang đứng trên đê chờ sẵn với chiếc roi tre cong vút. Tôi sợ lắm! chưa bao giờ tôi sợ như thế, tôi lén lẻn nhìn mẹ, người tôi toát cá mổ hôi. Mẹ giận dữ vung chiếc roi tre vút mạnh vào mông đít tôi mấy cái. Tôi đau lắm nhưng biết lỗi nên không dám khóc to. Mẹ kéo tay tôi vào nhà mắng một trận và nói ngày mai mẹ sẽ bít cái cửa sổ đó lại. Tôi nghĩ mẹ giận quá nén nói vậy thôi chứ nhà mình chỉ có mỗi cái cửa sổ đó để lấy ánh sáng, bít lại thì tối om nhìn thấy gì? Không ngờ hôm sau mẹ bít nó lại thật, mẹ lấy dây thép, chằng nó lại và không quên dằn cà mấy song sắt lại với nhau nữa. Tôi buồn chán ngôi im trong góc nhà không dám lên tiếng. Hôm sau tụi bạn đến hỏi thăm tôi, chúng gọi tôi qua kẽ nhỏ của chớp cửa:
Hải hôm qua bị mẹ đánh có đau không?
Tôi trả lời:
-Không đau lắm, nhưng tớ buồn lắm! Này, trèo lên cây ổi hái cho tớ mây quả nhé.
Chúng thi nhau trèo lên cây ổi, tôi chẳng nhìn thấy gì ngoài lắng tai nghe những tiếng động. Chúng trở lại luồn qua chớp cửa mầy quả ối cho tôi, rồi nói
-Tụi mình ở ngoài này, nêu cần gì thì cứ gọi nhé.
Tôi được an ủi phần nào. Dần dần lũ bạn chán chơi với tôi kiểu thế này, chắng nhìn thấy mặt nhau, chúng lại bị sai bảo nhiều nên cũng chán tìm chỗ khác chơi vui hơn. Tôi buồn lắm, hôm nay trời mưa to, tôi ngồi nằm co ro trên giường, tiếng mưa và tiếng gió thổi mạnh rít lên từng cơn. Trời tối sầm lại, trong nhà tôi đã tối nay còn tôì hơn. Tôi ngồi dậy, trèo lên đầu giường vươn tay ra sờ dây cắm điện. Bỗng người tôi run lên bần bật, tôi ngã xuống giường và lịm đi hồi lâu. Tôi tỉnh lại, thấy nguời đau ê ẩm, tôi khóc vì sợ hãi, vì qua đau đớn bị điện giật. Càng lúc tôi càng khóc to hơn, tiếng tôi khóc hòa cùng tiếng mưa gió khiến người ngoài không ai nghe thấy cả. Đêm hôm ấy mẹ về thi tôi đã lịm đi rồi, mẹ nhào vô bế tôi dậy, vội gọi người hàng xóm đưa tôi đi viện. Cũng may mắn tôi không sao hết. Khi ra viện, bác sĩ dặn mẹ đừng nhốt tôi ở nhà nữa! Mùa hè này rất nhiều trẻ em bị tai nạn vì bị nhốt trong nhà hoặc chơi ngoài ao hồ, sông ngòi… Tôi nhìn thấy sự lo lắng hiện lên khuôn mặt mẹ. Những ngày sau đó, mẹ nghĩ ra cách khác để quản lý tôi. Mẹ đến nói chuyện với nhà trẻ nơi em tôi đang được gửi ở đó. Lúc đầu họ không đồng ý vì tôi đã lớn rồi, sẽ làm ảnh hưởng đến những em bé ở đó, nhưng vì thấy rõ hoàn cảnh của gia đình tôi nên họ đành nhận tôi vào đê trông nom giúp mẹ. Tôi 8 tuổi mà vẫn đi mẫu giáo! Hàng ngày mẹ đưa cả hai chị em tôi đi trẻ, đến tốì đón cả hai chị em tôi về nhà. Cuộc sống như vậy đối với tôi cũng là tốt lắm rồi.
Tuổi thơ cùa tôi trôi đi thật nhanh với nhiều kỷ niệm buồn. Bây giờ tôi lớn hơn và càng hiểu công lao to lớn như trời biển của mẹ, đặc biệt nay tôi biết được ý nghĩa của ngày lễ Vu lan, tôi lại càng thấm thìa hơn về tình yêu thương vô bờ bến mà mẹ đã dành cho tôi. Thật khó cho tôi nói lên những lời yêu mến đầy thân thương với mẹ. Từ đó tôi bắt đầu quan tâm đến mẹ hơn, tôi nhìn trộm mẹ, nhìn thật lâu, thật kỹ, tôi thấy hình ảnh khắc khổ của mẹ in hằn những năm tháng vất vả bươn chải để kiếm sống nuôi hai chị em tôi. Trời ơi… tôi phái làm gì bây giờ? Liệu đã muộn chưa? "Mẹ ơi… cho con xin sám hối với mẹ con xin lỗi mẹ…" tôi không sao nói lên được vì lời nói ấy như nghẹn lại trong tôi. Tôi vội vã, chưa lúc nào tôi thấy tôi vội vã như lúc này. Tôi sợ những lời chưa kịp dành cho mẹ thì mẹ đã ra đi rồi. Tôi thật sự sợ hãi điều đó!!!
“Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc, đừng để nỗi buồn hiện lên trên mắt mẹ”. Đây là một câu nói mà tôi nhớ đã đọc ở đâu đó trong kinh Phật. Câu nói khiến tôi thức tỉnh và nhận ra được trách nhiệm của mình, trách nhiệm của người con giữ trọn đạo hiếu với cha mẹ, tôi như đứa con đã bước đi những bước chân lạc lối nay quay đầu trở về.
Kể lại một kỉ niệm sâu sắc với người thân – Bài làm 2
Em yêu quý tất cả những người trong gia đình em, vì họ là những người luôn quan tâm, chăm sóc tận tình cho em. Cùng với bố mẹ thì bà nội là người mà em yêu quý và kính trọng nhất. Từ nhỏ em đã cùng bố mẹ và bà sống cùng nhau, vì vậy và tình thương, sự gắn bó em dành cho bà nội của mình là vô cùng sâu đậm. Trong suốt quãng thời gian sống chung cùng bà, em đã có rất nhiều những kỉ niệm đáng nhớ bên bà.
Ông nội của em mất từ rất sớm nên bà đã về ở với gia đình em. Trong gia đình bà là người nhiều tuổi cũng là người từng trải nhất, nên bà luôn là người đưa ra những lời khuyên răn hợp tình hợp lí không chỉ cho chị em chúng em, mà cho cả bố mẹ em. Hình ảnh của bà trong em là một người phụ nữ hiền dịu, khuôn mặt phúc hậu, dáng người của bà cao và gầy. Nhưng trái với sự mỏng manh bên ngoài ấy, bà nội của em vô cùng kiên cường, mạnh mẽ. Em còn nhớ khi ông em mất, lúc ấy em còn rất nhỏ, bà em dù rất đau đớn, buồn bã vì sự mất mát to lớn này, nhưng bà em không hề gục ngã, cũng không tỏ ra yếu đuối, bà không khóc lóc, suy sụp, thương ông bà chỉ khẽ rơi những giọt nước mắt. Nhưng em cũng biết được nỗi đau khi ấy bà phải trải qua nó đau đớn đến như thế nào.
Trong cuộc sống hàng ngày, bà nội của em sống rất giản dị, không cầu kì, cũng không tỏ ra khó tính như những người lớn tuổi khác, bà của em lúc nào cũng sống rất điềm tĩnh, những sự việc không hay xảy đến với gia đình em, bà cũng bình tĩnh và hướng dẫn bố em cách sử lí ổn thỏa. Cùng với bố mẹ thì có bà trong gia đình làm cho em cảm thấy rất yên tâm. Dưới sự che chở, bao bọc của bố mẹ, của bà thì em không sợ bất cứ thứ gì nữa. Dù có gặp những khó khăn như thế nào trong cuộc sống, cũng như trong học tập thì về đến nhà, nhìn thấy nụ cười trừu mến của mẹ, ánh mắt áp của bố mà khuôn mặt hiền từ của bà thì mọi nỗi buồn trong em dường như được cuốn đi sạch trơn, đọng lại trong em chỉ có sự an tâm, ấm áp.
Em đã có một kỉ niệm với người bà của mình, đó là một việc buồn vì em đã làm cho bố mẹ phải lo lắng, tức giận. Nhưng cũng nhờ sự việc ngày hôm đó là em cảm nhận được trọn vẹn tấm lòng nhân từ, ấm áp của người bà của mình. Ngày hôm ấy, như bao ngày khác sau khi giờ học trên trường kết thúc, em cùng các bạn đạp xe ra về, con đường làng vẫn thế, vẫn tĩnh lặng và dài hun hút, cảnh vật cũng không có gì thay đổi, em và những người bạn vẫn vừa đi vừa nói chuyện với nhau đầy vui vẻ. Nhưng thu hút vào tầm mắt của chúng em đó chính là những dòng nước mát lành, chảy trắng xóa cả một con rạch ven các bờ ruộng. Hình ảnh tươi mát ấy đã thổi bay cái nóng nực của ngày hè, những giọt mồ hôi nhễ nhại trên vầng trán của chúng em dường như cũng thôi không chảy nữa khi nhìn thấy dòng nước ấy.
Chúng em như bị dòng nước thu hút sự tò mò khám phá, chúng em không ai bảo ai mà rủ nhau ở lại nghịch nước, cũng chính quyết định liều lĩnh, táo bạo ấy mà em nhận lấy sự giận dữ không ngờ tới của bố mẹ. Vì rạch nước rất nông, bên dưới lại có cỏ nên chúng em sắn quần nhảy xuống dòng nước tha hồ đùa nghịch. Chúng em té nước vào nhau làm đứa nào đứa ấy ướt như chuột lột, vì nghịch nước vui vẻ quá nên chúng em đã vô tình quên mất là mình phải về nhà. Kết quả là chúng em quên đường về, bố em và mấy bác nữa đã hớt hải chạy đi tìm chúng em. Khi thấy chúng em đùa nghịch dưới dòng nước, bố của các bạn thì mắng, có bạn còn bị bố đánh vào mông. Riêng bố em thì không nói gì chỉ im lặng dắt em về.Nhưng chỉ cần nhìn vào khuôn mặt của bố thôi thì em biết là bố đang rất giận dữ.
Về đến nhà, em đã bị bố phạt đứng úp mặt vào tường, trước đó em còn bị đánh hai roi vào mông. Em biết bố phạt em là đúng, vì em đã không nghe lời bố, chơi quên mất đường về, lại còn làm quần áo bị ướt, nhưng khi bị đánh và phạt úp mặt vào tường thì em rất tủi thân. Khi đang chịu phạt thì có một bàn tay ấm áp chạm nhẹ vào lưng em, em quay lại nhìn thì ra đó là bà em. Nhìn khuôn mặt hiền từ, phúc hậu của bà không hiểu sao em lại òa khóc nức nở, mà trước đó dù bị bố đánh đòn nhưng em không hề khóc một tiếng. Bà đã ôm em vào lòng mà an ủi: “Cháu ngoan của bà đừng khóc. Bà thương”.
Nghe vậy tôi càng khóc to, như thể việc mình chịu phạt là ấm ức lắm vậy. Sau khi tôi đã bình tĩnh thì bà hỏi tôi bị bố đánh có đau không, bà giải thích cặn kẽ cho tôi, việc làm hôm nay của tôi là sai, lần sau không được như thế nữa vì như vậy bố mẹ và bà rất lo lắng. Bà cũng giải thích cho tôi hiểu việc bố đánh đòn tôi không phải ghét bỏ gì em mà do bố quá lo lắng và cũng mong muốn lần này em sẽ có bài học để lần sau không tái phạm như vậy nữa. Nghe giọng nói dịu dàng, trầm ấm của bà tôi đã hiểu ra tất cả, hiểu là mọi người lo lắng cho tôi, và việc làm của mình là sai. Hôm ấy bà đã ở cùng tôi, đợi đến khi hết thời gian chịu phạt thì bà lại dẫn tôi vào nhà ăn cơm, vì có bà ở đó nên tôi không có cảm giác mình bị phạt mà cảm giác rất ấm áp, vui vẻ.
Bà tôi tuy rất yêu quý các cháu nhưng bà cũng không hề nuông chiều chúng tôi quá, như lần tôi bị bố phạt, bà không dùng địa vị, tình thương của bà để bảo bố miễn phạt cho tôi,vì như thế tôi sẽ không nhận ra lỗi của mình và lần sau sẽ lại tái phạm. Bà lặng lẽ giải thích cho tôi hiểu, bà ân cần quan tâm đến tôi, không ồn ào nhưng lại vô cùng ấm áp, an tâm. Tôi vô cùng hạnh phúc khi có bà ở bên cạnh và tôi mong muốn bà luôn khỏe mạnh, sống thật lâu bên gia đình tôi.
Kể lại một kỉ niệm sâu sắc với người thân – Bài làm 3
“Nếu có ước muốn trong cuộc đời này
Hãy nhớ ước muốn cho thời gian trở lại”…
Câu hát cứ văng vẳng bên tai làm con day dứt. Vâng, ba mẹ ơi, con đang ao ước thời gian quay trở lại, không phải để con tung tăng chơi đùa mà để con được làm lại từ đầu, được chuộc lỗi với ba mẹ, để lại được nhìn thấy khuôn mặt khắc khổ mà phúc hậu của ba và để được thấy nụ cười rạng ngời hạnh phúc của mẹ.
Ba ơi! Có muộn quá không khi đến bây giờ con mới biết: Có được ba mẹ ở cạnh bên lo lắng, chăm sóc là một niềm hạnh phúc vô bờ bến của con. Cũng như bao đứa trẻ khác, con thật hạnh phúc khi được lớn lên trong một gia đình êm ấm. Là con út trong nhà nên lúc nào con cũng được ba mẹ chăm sóc, anh chị thương yêu. Nhà mình không rộng, không sang nhưng luôn tràn ngập tiếng cười. Một mình ba quán xuyến tất cả công việc làm ăn. Một đại gia đình với 7 thành viên nhưng chỉ một mình ba gánh gồng, vậy mà chưa bao giờ ba để mẹ và các con phải khổ.
Mặc dù luôn bận bịu với trăm công ngàn việc nhưng ba vẫn dành thời gian cho chúng con, đặc biệt là con, đứa con trai nhỏ nhất nhà. Ba đưa đón con đi học mỗi ngày, chở con đi chơi, mua những món quà con thích. Mỗi tối ba thường dạy cho con học, nhưng đến năm con lên lớp 12, do bận nhiều việc cùng với sức khỏe không cho phép, ba đã nhờ người dạy kèm cho con. Tình thương ba dành cho con lớn lắm, đến độ con có thể sờ thấy được, chắc bởi vì con là con út. Cũng chính vì được cưng chiều nên con dần lêu lổng, theo tụi bạn ăn chơi đàn đúm, tập tành nhậu nhẹt, hút thuốc đến quên cả học hành. Con bắt đầu cúp học đi chơi, thầy cô gọi ba mẹ lên làm việc nhiều lần. Con biết ba rất buồn… nhưng những cuộc vui bên bạn bè làm con quên hết ánh mắt buồn bã của ba, không nhớ đến những lời khuyên răn của mẹ.
Con đã vô tâm đến độ tàn nhẫn khi đem số tiền mà ba đổi bằng những giọt mồ hôi để phung phí cho những cuộc vui. Có lần, con cúp học đến ba ngày đi chơi, thầy chủ nhiệm gọi điện và đến nhà gặp ba. Đúng lúc đó, con từ đầu ngõ về gần đến nhà, thấy ba đang nói chuyện với thầy Tuấn, con đứng núp vào cây mận trước nhà để nghe. Thầy nói xong, con thấy mặt ba trùng xuống. Chắc hẳn ba không bao giờ nghĩ rằng con dám trốn học như vậy. Thế là vì sợ ba đánh, ba buồn, con không dám về nhà, không dám nhìn mặt ba, con đã đi suốt hai ngày không về.
Con biết lần đó ba đã tất tả chạy khắp nơi tìm con, ba đã lục hết tất cả những số điện thoại có thể gọi. Ba gọi những đứa bạn thân của con nhưng con đã nói bạn giấu dùm nên ba không tìm được. Nhưng có lẽ linh tính của một người cha đã mách bảo nên ba biết con ở đâu? Ba đã nhắn với một người bạn thân của con rằng: “Ai cũng có lúc sai lầm, nếu ta biết nhận ra sai lầm và đứng lên thế mới gọi là tốt”. Lời nhắn nhủ của ba làm cho con thấy ân hận và bật khóc. Con đã bớt lo lắng và bạn bè cũng động viên con về xin lỗi ba mẹ. Thấy con về, ba mẹ không đánh hay la mắng gì mà chỉ nói mai mốt con đừng như vậy nữa. Con đã tự hứa với lòng không để ba mẹ phải lo buồn nhưng đôi lúc vì quá ham chơi nên con vẫn không làm được, vẫn có lúc còn trốn học đi chơi khiến ba mẹ phải đau lòng.
Nhưng rồi có một việc quá đỗi bất ngờ khiến con bàng hoàng, sửng sốt. Một lần khi đến chơi nhà cô Năm, con đã biết được thân phận thật của mình. Thì ra con không phải là con ruột của ba mẹ mà chỉ là một đứa trẻ bị bỏ rơi được ba mẹ nhặt về nuôi. Vào một buổi chiều tháng 4, một đứa trẻ mới lọt lòng bị ba mẹ bỏ rơi trong một chiếc va ly ở khu hành lý của sân bay. Đứa bé lạnh tím tái trong chiếc va ly với chiếc khăn quấn vội. Đó là con đúng không ba? Trong tiếng ồn của sân bay làm cho tiếng khóc của con bị lấp đi, nhưng ba đã nghe thấy. Như một ông tiên ba đã đến bên con, dáo dát tìm mẹ cho con nhưng không ai biết. Cuối cùng ba đã đưa con về nhà và nuôi dạy đến ngày hôm nay.
Mười mấy năm trôi qua con sống trong một gia đình không phải của mình, vậy mà con vẫn không hề hay biết. Ba mẹ và anh chị đối xử với con rất tốt nên con không thể nhận ra. Con chưa báo đền ơn nghĩa đó mà còn làm cho ba mẹ phải đau lòng. Khi biết được điều này, thực sự con đã rất lo sợ và bật khóc nức nở, khóc vì biết ơn của ba mẹ, còn lo vì sợ ba sẽ bỏ rơi vì con hư hỏng. Trong cái đầu bé xíu của con lúc này ba mẹ thật là vĩ đại, ba mẹ như ông bụt, bà tiên trong những câu chuyện cổ tích. Chiều về, con chạy vội về đến bên ba nghẹn ngào: “Ba ơi, cho con xin lỗi”. Ba hiểu chuyện, xoa đầu con và nói: “Không có gì bận tâm con ạ. Ba chỉ mong con học hành đàng hoàng đừng giống ba mẹ sau này phải vất vả”. Ba kể cho con nghe ngày xưa ba học giỏi lắm, được cử làm lớp phó học tập nhưng vì chiến tranh và cuộc sống thiếu thốn nên phải nghỉ học giữa chừng. Bây giờ tuy đã lớn tuổi nhưng vẫn phải bươn chải kiếm từng đồng cho con ăn học. Ngày nào ba cũng dầm mưa dãi nắng chở hàng ở ngoài đường. Da ba đen sạm, tay ba chai sần, tóc ba điểm bạc… Lần đầu tiên trong đời con thấy ba thật đẹp và thương ba đến lạ. Con hối hận cho những hành động nông nổi đã gây ra cho ba mẹ. Con quyết tâm sửa đổi để ba mẹ vui lòng. Ngoài giờ học, con đã biết phụ ba đi mua vật liệu, đóng bao bì và giao hàng cho khách…
Nhưng đau đớn thay, khi con vừa nhận ra những lỗi lầm và đang dần sửa đổi thì ba lại bị chứng ung thư đại tràng quái ác đe dọa mạng sống từng ngày. Trong một lần ba phát bệnh phải đi bệnh viện và bác sĩ báo cho gia đình biết ba bị ung thư. Nghe tin ấy cả nhà rất sợ hãi đến rụng rời, nhưng con thật không thể nào tưởng tượng nổi căn bệnh làm ba thay đổi nhanh đến như vậy. Từ một người rắn chắc, khỏe mạnh, ba bỗng chốc trở nên tiều tụy, hao gầy. Mỗi lần cùng ba vào bệnh viện Hồng Đức để vô hóa chất, con thấy rõ sức khỏe của ba suy giảm từng ngày, chân tay ba run rẩy. Con thương nhất cái lần vô hóa chất xong, ba con mình ngồi trên giường của bệnh viện. Con pha ly sữa nóng cho ba uống nhưng đôi tay run rẩy của ba đã làm đổ cả ly sữa. Bỗng nhiên con thấy sợ, thấy thương và rất lo cho ba. Bệnh di căn nhiều nơi, có tuần ba phải vô cả hai bịch máu. Lòng con quặn thắt khi nhìn thấy ba phát bệnh không ăn uống được gì, mỗi khi ăn đều ói ra cả máu thật nhiều. Con đau lắm nhưng không biết phải làm gì cho ba.
Mỗi chiều đi học về, con chỉ biết quanh quẩn bên giường của ba. Còn nhớ những ngày cuối cùng, càng về đêm ba lại càng đau dữ dội nên mẹ và anh Sam phải túc trực để tiêm thuốc giảm đau cho ba. Lúc đó con cũng thấy mẹ cũng gầy đi nhiều lắm, đôi mắt thì thâm quầng, trũng sâu vì những đêm thức trắng cùng ba, mẹ chăm sóc cho ba từng chút một.
Nhưng dù cho nhà mình đã làm mọi cách, nhưng vẫn không có cách nào giữ ba lại trước sự hủy diệt ghê gớm của căn bệnh ung thư quái ác. Ba đã ra đi trong vòng tay yêu thương của gia đình. Trước khi mất, ba dặn dò mẹ và các anh chị về công việc rất nhiều, rồi ba gọi con đến bên cạnh giường. Con còn nhớ, giọng của ba lúc này đã thều thào và yếu lắm. Ba dặn con phải nghe lời mẹ, lo học, không chơi với bạn xấu…
Những điều nay con đã được nghe nhiều lần đến mức nằm lòng nhưng không hiểu sao buổi chiều hôm đó ngồi bên giường ba con đã khóc rất nhiều. Ba cũng khóc, hai dòng nước mắt của ba chảy ướt gò má nhô cao, nhìn ba xanh xao yếu ớt, vừa khóc lại vừa cố gắng để giữ cho giọng không bị hụt hơi, con thấy thương ba nhiều lắm. Trong lòng con lúc này đã cảm nhận và thực sự lo sợ đến lúc mà ba sẽ ra đi.
Ngày tang của ba nhiều người đến viếng lắm. Tiếng khóc, tiếng trống, tiếng kèn pha lẫn làm đầu óc con quay cuồng. Mọi người trong nhà mình ai cũng khóc. Còn con, không biết tại sao lại không thể khóc nhưng lòng con thì thấy đau và như không thở được. Trong đầu con lúc đó hình ảnh của ba hiện lên choáng ngợp trong tâm trí. Con nhớ đến ba, một người mập mạp, tính tình đôn hậu, hiền lành hay giúp đỡ người khác. Con nhớ đến khuôn mặt mệt mỏi và tấm lưng ướt đẫm mồ hôi sau những chuyến chở hàng về. Bỗng dưng tim con nhói lên đau đớn.
Ba đi rồi ngôi nhà mình trở nên lạnh lẽo vô cùng. Mẹ không còn sức để xuống bếp nấu ăn. Mấy anh chị trong nhà cũng ít nói chuyện hơn và con càng thấy lạc lõng. Ba đi rồi mẹ phải bán những máy móc trong xưởng in của ba để trang trải nợ nần. Gia đình mình túng quẫn, con phải nghỉ học ở nhà phụ mẹ.
Từ ngày ba đi mẹ vất vả hơn nhưng rồi mẹ cũng bản lĩnh để đứng lên. Mẹ lại tìm trường cho con tiếp tục đi học. Mẹ gửi con vào học trường THPT Nhân Việt. Con thật hạnh phúc khi được học trong ngôi trường này. Trước vong linh của ba, con xin hứa sẽ cố gắng học hành, không để mẹ phải phiền lo. Con cũng xin cảm ơn mẹ tuy không sinh ra con nhưng đã chở che cho con suốt bao tháng ngày. Ba đi rồi chặng đường phía trước chỉ có mẹ bên con. Con nợ ba mẹ cả một cuộc đời. Con hứa sẽ chăm ngoan, xin mẹ đừng bỏ con, mẹ nhé.
Kể lại một kỉ niệm sâu sắc với người thân – Bài làm 4
Thế mà đã hai năm kể từ ngày ông ra đi, nhanh thật. Thời gian không thể xóa đi kỉ niệm về ông, về tình yêu ông dành cho cháu, những ngày tháng tươi đẹp khi mà cháu chưa mất ông nhưng nó cũng đã xóa đi phần nào nỗi đau, nỗi nhớ và lòng xót xa của cháu. Ông đã ra đi thật nhẹ nhàng và thanh thản, tưởng như chỉ là một giấc mơ, nhưng nào có phải và nỗi đau lại quặn thắt trong lòng.
Nhưng thôi, khi nhắc về ông, không nên nói đến những nỗi buồn, bởi nhắc đến ông là nhắc đến một tấm gương sáng ngời về nghị lực, ý chí vượt lên trên khó khăn và thêm vào đó là một tài năng và những phẩm chất tuyệt vời.
Cuộc đời ông luôn gặp nhiều khó khăn, bất trắc, nhiều trở ngại to lớn nhưng không gì có thể ngăn cản ông vượt lên. Lên bốn tuổi, cái tuổi mà con người ta mới bập bẹ nói, lững chững tập đi, ông đã không còn bố nữa. Vài năm sau, mẹ ông cũng ra đi và nằm lại nơi nào ông cũng không biết. Người ta nói:
“Mồ côi cha ăn cơm với cá
Mồ côi má lót lá mà nằm”
Thế mà chỉ mười năm đầu đời, ông đã không còn cả cha lẫn mẹ. Đau khổ là thế, nhưng đến năm 20 tuổi ông vẫn là một trong những học sinh xuất sắc của thành phố Huế. Hoạt động cách mạng, bị giặc bắt, tra tấn dã man, hành hạ đánh đập tàn bạo để đến mấy chục năm sau ông vẫn chịu di chứng: đó là căn bệnh suyễn. Và chắc chắn rằng nếu ông có những trận đòn ác liệt ấy thì đến hôm nay, lúc cháu đang viết những dòng này, có thể ông vẫn ngồi bên và mỉm cười với cháu, một nụ cười chất phác, hiền hậu mà cháu đã mất… Giữ vững những phẩm chất của một Đảng viên Cách mạng, ông được ra tù, thế nhưng không được đền đáp mà ông còn bị nghi ngờ, bị coi là lí lịch không rõ ràng. Bất công đến như thế nhưng ông vẫn sống, sống cho đời, làm việc cho đất nước và đã khẳng định được mình, ông làm nghề nhà giáo, trở thành Hiệu trường của trường Đại học sư phạm Huế và những học trò của ông hiện nay không thiếu những người thành đạt, trở thành hiệu trưởng của trường này, thứ trường kia. Ông không chỉ là tình yêu, là người ông mà còn là niềm tự hào lớn lao của cháu, còn nhứ khi cháu mới bốn, năm tuổi gặp bạn bè cháu khoe rằng: “Tao không biết ba tao làm nghề gì, nhưng ông tao là một nhà khoa học”. Đối với cháu lúc áy, ông là to lớn nhất, giỏi giang nhất, vì đại nhất, ông là “một nhà khoa học” cơ đấy. Rồi thì lớn lên, hiểu rõ về ông hơn, cháu lại càng tự hào hơn khi cháu học lớp bảy, lớp của cháu có sử dụng cuốn sách mà ông viết. Cháu vẫn không sao quên được niềm sung sướng khi chỉ tay vào cuốn sách và hỏi: “Chúng mày có biết cuốn sách này của ai viết không? Ông tao đấy, ông tao chính là người viết cuốn sách này”. Và nhìn những đứa bạn trố mắt, trầm trồ đọc ba chữ “Lê Đình Phi” cháu cảm thấy lòng mình lâng lâng. Ôi thật tự hào và hạnh phúc biết bao! Nay, ông không còn nữa, những niềm tự hào ấy vẫn sẽ theo cháu suốt cuộc đời.
Nhưng có tự hào bao nhiêu cháu vẫn ước gì mình được như xưa, được có ông bên cạnh, chỉ bảo ân cần. Nhớ sao những ngày xưa ấy, ông dắt tay cháu đi bộ trên đài Nam giao, chỉ cho cháu xem những ông Phật đứng, Phật nằm, kể cho cháu nghe những câu chuyện thật hấp dẫn. Hay chỉ cách đây vài năm, ông vẫn ngồi trên ghế nhựa, phe phẩy chiếc quạt, hỏi han, trò chuyện cùng cháu, cười với cháu và đố cháu những bài toán nho nhỏ. Ở nơi ông cháu luôn tìm thấy chốn yên bình nhất, thanh thản nhất. Ba mẹ có đôi khi giận dữ la mắng, đánh đập khi cháu hư. Những lúc ấy, cháu lại chạy đến với ông, lại ngồi cạnh ông, cười với ông, gần ông cháu lại thấy quên đi tất cả nỗi buồn.
Nhưng nay! Cháu đã mất ông rồi! Hụt hẫng làm sao, đau đớn làm sao! Cháu không còn chỗ dựa tinh thần vững chắc nhất. Lấy ai an ủi cháu và để cháu tâm sự? Buồn quá! Biết làm sao đây.
Ông ơi! Ở trên ấy ông có nghe những lời cháu không ông? Chắc chắn ông sẽ nghe được rằng cháu thật lòng yêu ông! Yêu ông nhiều lắm!
Kể lại một kỉ niệm sâu sắc với người thân – Bài làm 5
Ba tôi không mất sớm khi tôi mới tròn ba tuổi, chị gái tôi lúc đó tròn năm tuổi. Một mình mẹ tôi bươn trải lo lắng cho hai chị em tôi nên người vô cùng vất vả.
Khi tôi học lớp sáu, trong một buổi sinh hoạt giới thiệu về người thân của mình. Em đã trót nói dối với các bạn cùng lớp là mẹ em là một người làm kinh doanh. Không hiểu tại sao lúc đó, em lại cảm thấy xấu hổ với công việc bán hàng buôn thúng bán mẹt của mẹ mình.
Em cảm thấy các bạn trong lớp ai cũng có bố mẹ là bác sĩ, hay là nhân viên văn phòng, doanh nhân thành đạt thật là oai biết bao chỉ có em là không mẹ làm bán rau ở chợ.
Em cảm thấy ganh tỵ với những bạn có bố mẹ làm bác sĩ làm doanh nhân được mọi người tôn trọng kính nể. nên em đã nói dối.
Hôm đó, khi tôi vừa tan trường thì nhìn thấy một người phụ nữ giống như mẹ tôi đang đứng bên kia đường gọi lớn "Tùng ơi! Tùng mẹ ở đây này" các bạn tôi nghe thấy liền bảo tôi. Này có bà già nào trông quê lắm đang vẫy cậu kia kìa, nhưng tôi gạt đi nói với nó rằng "mày nhầm thế nào chứ tao không quen bà đó".
Rồi tôi nhanh chóng đạp xe về nhà bỏ lại sau lưng những tiếng mẹ gọi. Tối hôm đó, trong bữa cơm tối mẹ có kể rằng hôm nay mẹ bán hết rau sớm nên có ghé qua trường tôi đợi tôi cùng về.
Mẹ nhìn thấy tôi có gọi nhưng tôi chắc không nghe thấy. Những câu nói của mẹ làm tôi cảm thấy mình thật tội lỗi, xấu xa với mẹ. Nhưng tôi cũng sợ bạn bè tôi nhìn thấy mẹ mình rồi lại mỉa mai khinh bỉ xuất thân của tôi, nên tôi bảo mẹ "Lần sau mẹ cứ về trước đi đừng chờ con cho khổ"
Mẹ tôi im lặng không nói gì, chỉ lặng lẽ gắp thêm cho tôi miếng thịt vào bát và khẽ thở dài. Tiếng thở dài của mẹ làm trái tim tôi đau nhói.
Hết năm lớp sau, chuẩn bị tổng kết năm học, cô chủ nhiệm có tổ chức một buổi họp phụ huynh để trao đổi về kết quả học tập năm vừa rồi của các thành viên trong lớp. Cô thông báo ngày giờ và địa chỉ họp phụ huynh.
Tôi suy nghĩ mãi, không biết có nên bảo mẹ tôi đi họp phụ huynh cho tôi không? Nếu cho mẹ đi thì có nghĩa việc tôi nói dối mẹ là người kinh doanh sẽ bại lộ, mà không cho đi cô giáo sẽ thắc mắc rồi tìm tới tận nhà cũng bại lộ.
Nghĩ vậy, tôi bèn sử dụng kế nhờ người đi họp hộ. Hôm đó, tôi có nhờ một người phụ nữ làm nghề cắt tóc trông vẫn còn trẻ đẹp đi họp phụ huynh cho tôi với giá 300 nghìn đó là số tiền tôi ki cóp tích lũy được từ những lần mẹ cho ăn sáng định bụng mua đôi giày thể thao, nhưng giờ thì không mua nữa.
Cô ấy có vóc dáng đẹp lại ăn mặc sành điệu trông giống như một doanh nhân thật sự. Chính vì vậy, tôi đã nhờ cô ấy giả mẹ mình đi họp phụ huynh.
Đúng ngày giờ, cô đó tới nhận là mẹ của tôi như đã hẹn, thành tích học tập của tôi khá tốt nên không có gì phải xấu hổ. Cô chỉ nhắc nhở mẹ tôi- mẹ tôi thuê rằng, tôi hơi nhút nhát và ít tham gia hoạt động của lớp.
Nhưng khi buổi họp phụ huynh diễn ra được tầm hơn 30 phút, thì mẹ tôi đột nhiên đứng ở cửa lớp nói với cô giáo chủ nhiệm của tôi rằng "Xin lỗi cô giáo tôi tới hơi muộn, tại tôi cố gắng bán nốt gánh rau không để nó úa mất". Cô giáo tôi vô cùng ngạc nhiên rồi hỏi "Chị là phụ huynh của cháu nào ạ?" Mẹ tôi đáp "Tôi là phụ huynh của cháu Hoàng Sơn Tùng". Cô giáo tôi thoáng bối rối một chút vì không hiểu chuyện gì, nhưng cô cũng tế nhị mời mẹ tôi vào lớp ngồi cạnh bà mẹ giả của tôi.
Sau khi buổi họp kết thúc, cô giáo có mời hai bà mẹ của tôi cùng với tôi ở lại để trao đổi thêm. Tôi sợ xanh hết cả mặt, mồ hôi vã ra như tắm. Cô giáo chủ nhiệm nhìn tôi khẽ hỏi "Ai là mẹ thật sự của em vậy Tùng". Tôi lí nhí ấp úng đáp "Dạ thưa cô em xin lỗi cô đây mới mà mẹ thật sự của em.
Còn cô này chỉ là người em nhờ đi họp phụ huynh thôi ạ". Mẹ tôi thấy tôi bối rối vội đỡ lời với cô giáo "Dạ thưa cô lỗi tại tôi, hôm trước cháu Tùng về nói với tôi về việc họp phụ huynh nhưng tôi lại bảo cháu rằng mẹ không biết có đi được không vì hôm ấy mẹ có chút việc bận, nên có lẽ cháu sợ cô mắng mới nhờ người đi họp hộ cô ạ"
Cô giáo tôi nghe xong hiểu vấn đề liền gật đầu "À ra vậy". Rồi cô trao đổi lại một lần nữa với mẹ ruột của tôi về kết quả học tập của tôi. Bà rất vui vì tôi đạt học sinh giỏi toàn diện. Khi tôi ra về có gửi tiền cho cô giả làm mẹ của mình, nhưng cô ấy không lấy. Cô ấy bảo tôi "cô giúp con thôi nhưng lần sau cô nghĩ con nên để mẹ mình đi họp phụ huynh sẽ tốt hơn, bởi ba mẹ trên đời này chỉ có một không thể nào có người thay thế con ạ". Những lời cô nói khiến tôi vô cùng xấu hổ.
Tối hôm đó, về nhà tôi thành thật xin lỗi mẹ, mẹ không giận tôi, mẹ chỉ cảm thấy buồn vì không cho tôi được những gì tôi muốn. Nhưng tôi nói với mẹ "Con sai rồi với con mẹ là người mẹ tuyệt vời nhất" rồi hai mẹ con tôi cùng khóc.
Cảm ơn các bạn các bạn vừa đọc xong top những bài làm văn Kể lại một kỉ niệm sâu sắc với người thân hay nhất. Chúc các viết cho mình một bài văn Kể lại một kỉ niệm sâu sắc với người thân thật hay và đạt được kết quả cao.