Văn mẫu lớp 3

Hướng dẫn cảm thụ văn học bài Người con của Tây Nguyên – Tiếng việt 3

Hướng dẫn cảm thụ văn học bài Người con của Tây Nguyên – Tiếng việt 3

Hướng dẫn

Người con của Tây Nguyên

1. Tháng ba, có giấy trên tỉnh kêu anh Núp đi dự Đại hội thi đua. Núp nói với anh Thế:

– Nên để bok Pa đi. Bok kể được nhiều việc hơn tôi.

Anh Thế cười:

– Không, tỉnh kêu anh đi đấy. Đi để học mà.

2. Núp đi Đại hội về giữa lúc Pháp càn quét lớn.

Ban ngày, anh chỉ huy đánh giặc, ban đêm kể chuyện Đại hội cho cả làng nghe. Lũ làng ngồi vây quanh anh.

Ông sao Rua mọc lên giữa lòng suối như một chùm hạt ngọc. Tay Núp cầm quai súng chặt hơn. Anh nói với lũ làng: Đất nước mình bây giờ mạnh hung rồi. Người Kinh, người Thượng, con gái, con trai, người già, người trẻ đoàn kết đánh giặc, làm rẫy giỏi lắm. Ở Đại hội, Núp cũng lên kể chuyện làng Kông Hoa. Nghe xong, nhiều người chạy lên, đặt Núp trên vai, công kênh đi khắp nhà, mừng không biết bao nhiêu. Cán bộ nói:

– Pháp đánh một trăm năm cũng không thắng nổi đồng chí Núp và làng Kông Hoa đâu!

Lũ làng nghe tới đó vui quá, đứng hết dậy:

– Đúng đấy! Đúng đấy!

3. Núp mở những thứ Đại hội tặng cho mọi người coi: một cái ảnh Bok Hồ vác cuốc đi làm rẫy, một bộ quần áo bằng lụa của Bok Hồ, một cây cờ có thêu chữ, một huân chương cho cả làng, một huân chương cho Núp.

Xem thêm:  Viết đoạn văn giới thiệu một người bạn trong tổ của em

Lũ làng đi rửa tay thật sạch rồi cầm lên từng thứ, coi đi, coi lại, coi đến mãi nửa đêm.

Theo Nguyên Ngọc.

Cách đọc

Đọc giọng kể, chậm rãi. Chú ý thể hiện sắc thái dân tộc khi đọc lời nói của các nhân vật. Đoạn cuối đọc với giọng trang trọng và cảm động.

Gợi ý cảm thụ

Bối cảnh của câu chuyện trên là những năm 1952 – 1953, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta nói chung, đồng bào Tây Nguyên nói riêng đang diễn ra ác liệt. Lúc đó, thế và lực của quân đội ta đã lớn mạnh không ngừng, cuộc kháng chiến bước vào giai đoạn phản công, thắng lợi đang đến gần. Bài văn trên trích trong tác phẩm Đất nước đứng lên của nhà văn Nguyên Ngọc viết về anh hùng Núp và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân làng Kông Hoa thời ấy.

Những chi tiết đầu tiên của bài văn cho thấy anh hùng Núp là người nổi tiếng dũng cảm, mưu trí, dám đánh giặc Pháp và thắng giặc Pháp nhưng lại là con người thật thà, chất phác. Điều đó phần nào được thể hiện qua câu nói chân thành của anh Núp: “Nên để bok Pa đi. Bok kể được nhiều việc hơn tôi”. Ta còn nhận thấy ở Núp, việc đánh giặc là một việc làm bình thường và tất yếu, bởi vì giặc đến nhà thì phải đánh, bình thường như việc làm rẫy, làm nương. Chả thế mà, sau khi đi dự đại hội về, ban ngày anh Núp chỉ huy dân làng đánh giặc, ban đêm kể chuyện Đại hội cho cả làng nghe. Anh Núp còn có phẩm chất đáng quý khác là có niềm tin mãnh liệt, vững chắc vào thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp lúc ấy, tin tưởng ở sức mạnh của khối đoàn kết giữa đồng bào miền xuôi với miền ngược, người Kinh và người Thượng,… Niềm tin đó đã tạo cho anh sức mạnh, sự ngoan cường trong cuộc đương đầu với bọn thực dân xâm lược.

Xem thêm:  Nói những điều em biết về cảnh đẹp trong bức tranh về vịnh Hạ Long

Bài văn cũng nhắc tới hình ảnh dân làng Kông Hoa, những người luôn đoàn kết xung quanh anh Núp, chiến đấu giỏi và lập được nhiều chiến công. Dân làng rất vui và tự hào về thành tích của mình.

Không thể không nói tới “chất” Tây Nguyên, bản sắc Tây Nguyên, sắc màu Tây Nguyên được thể hiện khá rõ nét trong bài văn. Có thể qua cách tả, cách kể của nhà văn (ví dụ: “Lũ làng ngồi vây quanh anh. Ông sao Rua mọc lên giữa lòng suối như một chùm hạt ngọc…”, “Lũ làng đi rửa tay thật sạch rồi cầm lên từng thứ, coi đi, coi lại, coi đến mãi nửa đêm…”). Có thể qua lời nói, cách nói của nhân vật (ví dụ: “Không, tỉnh kêu anh đi đấy. Đi để học mà”, “Đất nước mình bây giờ mạnh hung rồi”),…

Bài văn khép lại, nhưng những ấn tượng tốt đẹp về hình ảnh anh hùng Núp – người con ưu tú của mảnh đất Tây Nguyên hùng vĩ và bất khuất – thì mãi không phai mờ trong tâm trí người đọc.

XEM THÊM BÀI 30: LUÔN NGHĨ ĐẾN MIỀN NAM – TẠI ĐÂY

Tags:Văn 3

Theo Nguồn: Bailamvan.edu.vn

Post Comment