Văn mẫu lớp 7

Đề số 13: Ý kiến của em về câu ca dao: Lời nói không mất tiền mua, Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.

Đề số 13: Ý kiến của em về câu ca dao: Lời nói không mất tiền mua, Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.

Hướng dẫn

DÀN Ý

1. Đặt vấn đề:

– Nói về ý nghĩa và sức mạnh của lời nói trong cuộc sống:

+ Lời nói là phương tiện giao tiếp cơ bản và quan trọng trong cuộc sống.

+ Lời nói thể hiện và là thước đo trình độ văn hóa của con người và xã hội.

+ Lời nói có sức mạnh quyết định sự thành công hay thất bại của mỗi con người trong công việc.

– Giới thiệu câu ca dao cần phân tích.

2. Giải quyết vấn đề:

– Giải thích câu ca dao: câu ca dao khuyên mỗi người phải biết “lựa lời” để nói cho người nghe cảm thấy không bị xúc phạm, thể hiện thái độ ứng xử đầy văn hóa của con người.

– Tại sao “lời nói chẳng mất tiền mua” và chúng ta phải “lựa lời mà nói”?

+ Vì lời nói là tài sản quý giá mà ai cũng có, không phải tốn tiền đi mua.

+ Nếu chúng ta nói năng tùy tiện, thiếu suy nghĩ thì sẽ làm người khác mất lòng, làm mất đi mối quan hệ thân ái, đoàn kết giữa con người với con người mà lại không đạt được mục đích trong giao tiếp.

– Thế nào là “lời hay, ý đẹp”?

+ Là lời nói được lựa chọn cho phù hợp với hoàn cảnh, với đối tượng, với mục đích nói.

+ Là trước khi nói, người nói phải suy nghĩ chín chắn, kĩ càng, có ý thức trách nhiệm cao về phát ngôn của mình.

+ Là lời nói xuất phát từ tấm lòng chân thành và mục đích tốt đẹp của người nói.

– Bàn bạc, mở rộng:

+ Phê phán những biểu hiện nói năng thô tục, thiếu văn hóa, thiếu văn minh, lịch sự trong giao tiếp.

+ Để có thể “nói hay, nói đẹp” cần phải có sự giáo dục và rèn luyện của mỗi người.

+ “Lựa lời” là chọn lời hay ý đẹp khi giao tiếp. Nhưng không có nghĩa là dùng những từ ngữ hoa mĩ, sáo rỗng để che đậy sự ngụy biện, xảo trá. Không phải vì để “vừa lòng nhau” mà nói lời giả dối, xun xoe, nịnh bợ » Lời nói phải xuất phát từ thiện chí của người nói, cốt ở sự chân thành.

3. Kết thúc vấn đề:

– Khẳng định ý nghĩa của lời khuyên trong câu ca dao.

– Rút ra bài học cho bản thân từ câu ca dao.

BÀI LÀM

Trong cuộc sống, có bao giờ bạn “mất” một người bạn, chỉ vì một lời nói cũng như có bao giờ, chỉ bằng một lời nói, ta lại có thêm một người bạn mới?

Điều đó chắc hẳn, ít nhất là một lần, đều đã xảy ra với mỗi chúng ta..

Mỗi ngày chúng ta sống, học tập và làm việc là mỗi ngày chúng ta tiếp xúc với bao nhiêu con người, thực hiện bao nhiêu quan hệ xã hội đa dạng, phong phú, trong đó, ngôn ngữ chính là cầu nối, là công cụ của giao tiếp.

Xem thêm:  Kể về một người bạn thân của em với những kỉ niệm sâu sắc khó quên

Song, khi sử dụng bất cứ công cụ nào, người thông minh là người biết phát huy hết hiệu quả của nó. Một trong muôn vàn cách xử lý khéo léo khi sử dụng công cụ giao tiếp tế nhị này đã được ông cha ta đúc kết một cách ý vị, sâu sắc qua câu ca dao:

Lời nói không mất tiền mua

Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.

Câu ca dao đã đặt chúng ta trước một vấn đề của văn hóa giao tiếp: phải sử dụng lời nói như thế nào để đảm bảo sự đoàn kết, thân ái, thể hiện sự văn minh, lịch sự, đồng thời đạt được mục đích?

“Lời nói không mất tiền mua”. Đúng vậy! Ngôn ngữ là một tài sản quý giá được lưu truyền qua các thế hệ trong tiến trình lịch sử dân tộc nhưng ai cũng có, không cần phải tốn kém tiền bạc đi mua ở đâu. Vậy nên câu ca dao khuyên chúng ta phải biết “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, nghĩa là mỗi người phải biết “lựa lời” để nói cho người nghe cảm thấy không bị xúc phạm, thể hiện thái độ ứng xử đầy văn hóa của con người. Đừng vì sử dụng tùy tiện lời nói, thiếu “lựa lời” sẽ dẫn đến mất lòng, làm mất đi vẻ đẹp của cuộc sống giữa con người với con người.

Là người có văn hóa, nhất thiết phải biết sử dụng ngôn ngữ để tôn lên giá trị của cuộc sống, tạo nên sự bền chặt của các mối quan hệ tốt đẹp, văn minh, lịch sự giữa người với người trong xã hội.

Thực tế đã cho thấy rằng, những người được mọi người yêu mến bao giờ cũng là những người có văn hóa trong giao tiếp nói năng. Một lời nói nhã nhặn, từ tốn, khiêm nhường thì người nghe dễ tiếp nhận. Còn cách nói năng gắt gỏng, trịch thượng, kiêu kì, đại ngôn sẽ chỉ khiến người ta khó nghe, thậm chí khó chịu. Nói năng thiếu lựa chọn, thiếu sự cân nhắc ngôn từ cùng với dáng điệu, vẻ mặt, cử chỉ… thô tục không những làm giảm giá trị của mình mà còn có thể gây tổn thương đến người khác.

Tuy nhiên, ngôn ngữ cũng là biểu hiện của tấm lòng. Nghĩ sao, nói vậy, cũng hay, nếu lời nói đó xuất phát từ một tấm lòng nhân ái. Suy cho cùng, “lựa lời” chính là xem lại lòng mình vậy. Nói sao cho chân thành và tỏ ra biết cảm thông sẽ đem lại hiệu quả giao tiếp tốt nhất. Lựa lời cũng chính là như vậy.

Xem thêm:  Soạn Bài Tìm Hiểu Chung Về Văn Biểu Cảm

Cách ăn nói được biểu hiện ở nhiều mặt: cách sử dụng ngôn từ, ngữ điệu, dáng điệu, vẻ mặt, nội dung… Người lịch sự, văn minh là người biết làm chủ lời nói của mình, dù hoàn cảnh nào cũng nói năng đúng mực. Không dùng từ tục tĩu, không có thái độ cáu kỉnh, không nói năng láo xược với người trên, không của quyền, hách dịch với người dưới, dù có tức tối thế nào chăng nữa cũng nên biết sử dụng những lời nhã nhặn, chân thành… là những chuẩn mực của giao tiếp nói năng mà mỗi chúng ta cần không ngừng trau dồi, thể hiện.

“Ăn phải nhai, nói phải nghĩ”. Suy nghĩ chín chắn, thận trọng và ý thức trách nhiệm trước mỗi phát ngôn của mình là cơ sở cho những lời hay, ý đẹp ra đời, làm người nghe vui lòng, từ đó mà đạt được mục đích giao tiếp. Nhận thấy tính đúng đắn của vấn đề và những biểu hiện đẹp của cách thức nói năng như thế cũng là một cách chúng ta loại trừ, phê phán những biểu hiện thiếu văn hóa, văn minh, lịch sự trong giao tiếp nói năng trong xã hội ngày nay. Người có văn hóa và xã hội văn minh không bao giờ chấp nhận những người nói năng thô tục, thiếu thiện chí, nói trống không, xưng hô xấc xược, không phù hợp với đối tượng và hoàn cảnh giao tiếp. Sẽ chẳng dễ chịu chút nào nếu phải nghe những lời nói thiếu thiện chí, thiếu thiện cảm giữa người với người. Không phải ngẫu nhiên mà ông bà ta đã đúc kết:

Đất tốt trồng cây rườm rà,

Những người thanh lịch nói ra dịu dàng.

Và lại có câu:

Đất xấu trồng cây khẳng khiu,

Những người thô tục nói điều phàm phu.

Nhưng, làm thế nào để trở thành người biết nói năng có văn hóa, lịch sự, văn minh?

Ông bà ta có câu: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Cách ăn nói của mỗi người không phải ngẫu nhiên mà có được. Nó là kết quả của sự giáo dục và rèn luyện của mỗi người. Môi trường, hoàn cảnh và tính chất của các mối quan hệ sẽ có tác dụng quyết định rất lớn đến cách thức nói năng của bản thân mỗi người. Chính vì thế, chỉ cần nghe, nhìn cách ăn nói của mỗi người, ta cũng có thể biết được phong cách sống, trình độ văn hóa, văn minh của người đó như thế nào, và rộng hơn là đánh giá được môi trường, xã hội đã nuôi dưỡng, giáo con người đó. “Lựa lời” là chọn lời hay ý đẹp khi giao tiếp. Song cần hiểu cốt lõi của cái hay, cái đẹp cốt là ở thiện chí tốt đẹp chứ không cốt ở ngôn từ hoa mĩ, trau chuốt, bóng bẩy. Đừng vì hiểu sai tinh thần câu ca dao mà lấy lời hoa mĩ để che đậy một mưu đồ xấu xa, một nhân cách hèn kém. Những kẻ xu nịnh, phản nghịch bao giờ cũng là những kẻ xun xoe, nói năng thánh thót, luôn nói điều nhân nghĩa để phủ bên ngoài cái lõi bất nghĩa, bất trung. Đó là cái kiểu “lựa lời” giả dối của hạng người xảo trá như tên Giám sinh họ Mã trong “Truyện Kiều” củaNguyễn Du khi thốt ra những lời hoa mĩ:

Xem thêm:  Viết đoạn văn ngắn có sử dụng đại từ, gạch chân đại từ

Rằng mua ngọc đến Lam Kiều

Sính nghi xin dạy bao nhiêu cho tường

Tuy nhiên, vì không phải để “vừa lòng nhau” mà ta không thẳng thắn nói lên những lời khuyên bảo bạn bè, phê phán những sai lầm, khuyết điểm của bạn. “Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” khác hẳn về bản chất so với thái độ xuề xoa, “chín bỏ làm mười”, nể nang trong quan hệ bạn bè, đồng nghiệp. Vẫn biết “thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng”, nhưng không vì thế mà che giấu sự thật, cả nể, lấp liếm cho khuyết điểm, sai lầm. Làm như thế chính là chúng ta đã hại bạn, đẩy bạn bè, đồng nghiệp của mình vào ảo tưởng bản thân hoặc càng lún sâu vào hành động sai trái, thậm chí còn làm cho xã hội bị thụt lùi. Lúc này, sự dũng cảm, thẳng thắn, chân thành và sự tế nhị, khéo léo trong việc “lựa lời” là yếu tố quan trọng để sự thật được tôn trọng mà tình đoàn kết cũng được đảm bảo thực sự dài lâu. Con người muốn tiến bộ bao giờ cũng thích nghe lời nói chân thành. Sự thật và. sự chân thành luôn có giá trị dài lâu…

Như vậy, câu ca dao là một lời khuyên quý báu cho mỗi con người trong nghệ thuật ứng xử giữa người với người trong cách nói năng. Hiện nay, khi chúng ta đang không ngừng xây dựng xã hội văn minh, tiến bộ mà vẫn còn không ít những kém cỏi trong văn hóa giao tiếp, hoặc ít nhiều tỏ ra xem thường lời ăn, tiếng nói mỗi ngày thì vấn đề được nêu ra trong câu ca dao càng có giá trị thiết thực. Đối với mỗi học sinh chúng ta, câu ca dao là bài học tu dưỡng rèn luyện thường trực cho mỗi chúng ta. Bởi người đi học trước hết là học bằng ngôn ngữ, học từ ngôn ngữ, tất cả bắt đầu bằng ngôn ngữ.

“Chim khôn kêu tiếng rảnh rang Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”. Có lẽ, không ai trong chúng ta là không mong muốn mình là “người khôn”, là người thanh lịch. Thiết nghĩ, học lời ăn tiếng nói không phải trong ngày một ngày hai mà cần phải học trọn đời.

Theo Bailamvan.edu.vn

Post Comment