Văn mẫu lớp 8

Dàn ý Người ấy sống mãi trong lòng tôi

Dàn ý Người ấy sống mãi trong lòng tôi

Hướng dẫn

Một số dàn ý chi tiết đề văn “Người ấy sống mãi trong lòng tôi” – Bài viết số 1 lớp 8

Dàn ý viết về mẹ:

I. Mở bài

– Có thể dẫn dắt bằng một đôi câu thơ hay bài hát liên quan đến mẹ.

– Mẹ là người sinh thành, dưỡng dục, nuôi ta khôn lớn thành người. Mẹ tôi tên là…?

II. Thân bài

a. Miêu tả mẹ

– Vóc dáng, ngoại hình:

+ Lớn tuổi: theo thời gian, tuổi mẹ ngày càng cao.

+ Tóc đã điểm vài sợi bạc: tóc mẹ đã có lấm tấm vài sợi bạc vì phải chăm lo cho gia đình của mình.

+ Đôi mắt: vẫn còn tinh anh, nhìn rõ.

+ Nụ cười: ấm áp, hồn hậu

+ Đôi bàn tay: gầy gầy, xương xương vì phải buôn gánh bán bưng ngoài trời mưa gió với biết bao khổ cực.

+ Vóc người: cân đối.

+ Trang phục: thường hay mặc những trang phục giản dị, phù hợp với hoàn cảnh.

– Tính cách:

+ Đối với mọi người xung quanh: luôn quan tâm, giúp đỡ.

+ Đối với gia đình: luôn yêu thương, quan tâm, chăm lo chu đáo.

+ Đối với bản thân: nghiêm khắc và có trách nhiệm trong mọi việc.

b. Kể một kỉ niệm sâu sắc giữa em và mẹ

– Trời mưa to, gió lớn; mẹ nhắc tôi không nên đi chơi.

– Tôi cãi lời mẹ, nghe theo lời rủ rê của bạn bè để đi chơi đá banh với chúng bạn trong mưa to.

– Thế nhưng, sau cuộc chơi đó tôi bị bệnh sốt nặng.

– Mẹ nhìn tôi nằm trên giường bệnh với sự trìu mến.

– Không những không có lấy một lời la mắng, mẹ còn chạy đôn chạy đáo mua thuốc cho tôi trong đêm mưa to gió lớn với biết bao lo lắng cho tôi.

– Tôi cảm thấy thật hối hận và trách cứ bản thân.

– Tôi hứa với lòng sẽ không bao giờ cãi lời mẹ như vậy nữa.

– Kỉ niệm ấy luôn theo tôi đến tận bây giờ và gây trong tôi một nỗi niềm sâu sắc về mẹ cùa mình.

c. Cảm nhận về mẹ

– Mẹ là người mà tôi luôn quý trọng và tôn thờ.

– Không gì có thể thay thế cho mẹ.

III. Kết bài

– Cuộc sống của tôi sẽ buồn chán và vô vị biết bao nếu thiếu vắng hình bóng của mẹ.

– Tôi hứa rằng sẽ luôn chăm lo học hành, ngoan ngoãn để trở thành con ngoan trò giỏi, không làm buồn lòng mẹ minh nữa.

Dàn ý viết về bố:

I. Mở bài

– Giới thiệu về người bố: người thân yêu, ruột thịt, thành viên cực kỳ quan trọng trong gia đình.

– Bố thân yêu nuôi dưỡng, chăm sóc, dạy dỗ chúng ta trưởng thành.

II. Thân bài

a) Vài nét miêu tả người bố

– Bố em độ tuổi trung niên đã 40 tuổi.

– Thân hình to lớn, cân đối.

– Đôi mắt to sáng, nhìn rõ.

– Mái tóc có vài sợi tóc bạc

– Bố em làm công nhân trong nhà máy vì vậy công việc vất vả không có nhiều thời gian rảnh rỗi.

b) Tính cách

– Trong gia đình bố là người đàn ông có trách nhiệm, quan tâm chăm sóc các thành viên trong nhà. Những công việc nặng nhọc, khó khăn trong nhà bố đều thực hiện.

– Ngoài xã hội bố là con người nhiệt tình, tự giác tham gia vào công việc chung và không nề hà những công việc của tổ chức, cộng đồng.

– Trong công việc bố luôn là người có tính tự giác, nghiêm túc và cố gắng phấn đấu đạt kết quả cao nhất.

c) Vai trò

– Bố em là “trụ cột” chắc chắn cho cả gia đình những lúc khó khăn.

– Bố em là tấm gương lớn để em học tập và noi gương trưởng thành.

d) Kỉ niệm với bố

– Một lần em cãi lời bố để đi đá bóng với lũ bạn khi trời mưa to.

– Sau trận đá bóng, em bị sốt cao liên tục phải nghỉ học.

– Bố là người túc trực hạ sốt và theo dõi trong suốt đêm đó.

– Nhìn bố thật vất vả, em thấy mình thật có lỗi muốn thốt lên câu xin lỗi nhưng không thành lời.

– Sau đêm đó em tự dặn lòng sẽ luôn nghe lời bố.

Xem thêm:  Hoa sen là loài hoa được chọn làm biểu tượng cho dân tộc Việt Nam. Em hãy viết bài văn giời thiệu loài hoa này với bạn bè thế giới

– Kỉ niệm với bố thật xúc động, tình cha con thật thiêng liêng đáng quý trọng.

III. Kết bài

– Bố là người luôn thương yêu chăm sóc cả gia đình, là tấm gương sáng cho em học hỏi.

– Là một học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường em sẽ cố gắng học tập để đền đáp lại những kì vọng tình cảm mà bố gửi gắm.

Dàn ý viết về người bạn thân

I. Mở bài:

– Mỗi người chúng ta đều có những kỉ niệm không bao giờ có thể quên được, và những con người “đặc biệt” – người ấy sống mãi trong lòng chúng ta.

– Tôi cũng vậy, một trong số những người “đặc biệt” ấy đối với tôi, đó là cô bạn thân thời lớp 4,5 – bạn Thùy Chi

II. Thân bài:

* Ngoại hình:

– Chi là một cô bé cao, thân hình vừa phải không gầy cũng không béo, làn da trắng trẻo.

– Bạn có đôi mắt rất to và đen, đôi môi nhỏ chúm chím rất hay cười. Bạn cười rất duyên nhờ một chiếc má lúm đồng tiền bên trái.

– Mái tóc dài đến eo, đen và mượt vô cùng.

– Đặc biệt, tôi rất thích nhìn bàn tay của Chi, bàn tay dài, ngón tay búp măng như một cô công chúa.

* Tính cách:

– Chi là một người bạn rất tốt, hiền lành, hòa đồng và rất thích giúp đỡ người khác.

– Chi học khá giỏi, đặc biệt bạn ấy rất giỏi Tiếng Anh – môn tôi học kém nhất. Vì vậy, Chi đã giúp tôi rất nhiều trong việc học Tiếng Anh, truyền cảm hứng và niềm yêu thích môn ngoại ngữ này cho tôi.

* Kỉ niệm của tôi với Chi:

– Trong ngày đầu tiên của lớp 4, khi chúng tôi còn đang đùa nghịch thì chuông reo, cô giáo chủ nhiệm bước vào, dắt thêm một bạn nữ nữa – đó là Chi. Không biết có phải duyên số không khi cô xếp Chi vào ngồi cạnh tôi luôn. Từ đó, tôi là người bạn đầu tiên và cũng là người bạn thân nhất của Chi.

– Tôi và Chi rất hợp nhau, từ cách nói chuyện cho đến sở thích, chúng tôi đều có điểm chung, nhờ đó, chúng tôi chơi càng thân với nhau, giúp đỡ nhau trong học tập và chơi đùa cùng nhau, từ đó hai gia đình cũng chơi thân với nhau luôn.

– Đến gần hết năm lớp 4, một điều không may đã xảy ra với Chi, mẹ bạn mất do bệnh ung thư. Khi biết tin, tôi đã rất sốc bởi mẹ Chi là một người hiền lành và bác vô cùng yêu quý tôi. Lòng tôi như trùng xuống, hôm đó bố đưa tôi đến nhà Chi thăm viếng. Tôi thật sự xúc động trước hình ảnh cô bé xinh xắn với nụ cười ngày nào đang ngồi thu lu một góc, thẫn thờ nhìn về di ảnh của mẹ.

– Vài ngày sau, Chi đến lớp, vẫn đôi mắt to đen ấy, nhưng nó đã trở nên buồn bã, lúc nào cũng long lanh, trực khóc. Mặc dù vậy, Chi vẫn không khóc, bạn vẫn chăm chú nghe cô giảng, làm bài và cố gắng nở một nụ cười gượng giụ khi các bạn chơi đùa. Tôi thấy rõ đằng sau sự gồng mình, gắng gượng của bạn là một nỗi buồn, một nỗi đau khó có thể vùi lấp.

– Tôi thấy rõ nghị lực, sự cố gắng của Chi trước nỗi mất mát lớn lao đó, có lẽ bạn đang cố sống thật tốt để mẹ bạn trên trời có thể được yên tâm an nghỉ. Sự trưởng thành đó khiến cho tôi càng khâm phục và yêu quý bạn hơn. Từ đó, tôi quan tâm đến Chi nhiều hơn, cố gắng làm mọi chuyện để bạn vui, mẹ tôi cũng vậy, mẹ tôi càng thương Chi và mong có thể giúp đỡ bạn vượt qua khỏi nỗi đau mất mát đó.

– Đến hết lớp 5, Chi và bố bạn chuyển lên Hà Nội sống với ông bà ngoại, hôm chia tay tôi và Chi đã khóc rất nhiều. Chúng tôi đều hứa sẽ mãi mãi là bạn tốt và không bao giờ quên nhau.

III. Kết bài:

– Từ đó đến nay, tôi và Chi vẫn thường xuyên liên lạc qua điện thoại với nhau, cùng nhau nói chuyện chia sẻ và hứa hẹn một ngày sẽ cùng nhau đi chơi công viên ở Hà Nội.

Xem thêm:  Phân tích giá trị của việc sử dụng từ địa phương trong câu thơ sau: Nỗi niềm chi rứa Huế ơi! Mà mưa xối xả trắng trời Thừa Thiên. (Tố Hữu)

– Hình ảnh Chi với đôi mắt buồn bã, long lanh luôn in sâu trong tâm trí tôi.

***

Bài văn mẫu tham khảo Người ấy sống mãi trong lòng tôi

Ba mẹ tôi có tất cả ba người con và tôi là con gái đầu lòng. Tôi không giống ba, cũng không giống cả mẹ nhưng tôi được thừa hưởng tính cách cố chấp từ ba và nhẫn nại từ mẹ.

Tôi được sinh ra trong hoàn cảnh khá chật vật. Gia đình bên ngoại thì nghèo khó nhưng là một gia đình có tiếng về gia giáo. Bên nội tuy khá giả nhưng có quan niệm cho con tự lập sớm. Thuở mới lấy nhau, ba mẹ tôi chưa có của ăn của để như bây giờ. Cuộc sống khá vất vả. Bố tôi cả ngày đi làm, về tới nhà là đã mệt nhoài. Mẹ tôi cũng chẳng hơn. Vừa đi làm vừa phải làm dâu, cuộc sống khó khăn trăm bề. Bên nội tôi gốc Hoa nên có những quy định khắt khe mà những ai làm dâu người Hoa mới hiểu hết. Lúc ấy, cả một đại gia đình con, dâu đều ở chung một nhà. Lúc ấy tôi còn nhỏ nhưng cũng phần nào hiểu được những nhọc nhằn khổ cực mà mẹ tôi đã trải qua.

Hàng ngày, mẹ tôi đến hãng từ năm giờ sáng và làm suốt đến bốn giờ chiều. Về đến nhà lại tiếp tục quần quật với công việc gia đình. Mặc dù ông bà tôi có nhiều nàng dâu, mỗi người luân phiên làm việc nhà nhưng cũng không tránh khỏi những đụng chạm hằng ngày. Gia đình tôi có thói quen ăn cơm chiều vào lúc năm giờ, cũng là lúc mọi người vừa đi làm về. Mẹ tôi có bệnh đau dạ dày nên hồi chưa lập gia đình, mẹ ở nhà thường dùng cơm sớm lúc bốn giờ chiều. Nhưng khi về nhà chồng, theo hủ tục của người Hoa con dâu không được ăn chung với mọi người. Mẹ tôi phải đứng bên cạnh ông bà để chờ bới cơm, rót nước, lấy tăm… Đến khi mẹ tôi cầm được chén cơm thì thân thể đã mệt mỏi rã rời. Nhiều lúc mẹ cầm chén cơm mà lặng lẽ khóc thầm. Đã vậy còn phải gánh chịu những lời nặng nhẹ của các cô em chồng. Thế mà mẹ tôi vẫn không than vãn một lời với bố tôi. Vì mẹ biết rằng bố tôi cũng đã vất vả nhiều.

Đến khi mang thai tôi thì mẹ tôi lại càng cực nhọc hơn. Mặc dù thai nghén nhưng mẹ vẫn phải tuân thủ theo quy định giờ giấc bên chồng, vẫn phải làm việc nhà không ngơi nghỉ. Cho nên mẹ tôi ngày càng trở nên gầy gò, xanh xao. Có những lúc mẹ bị cơn đau dạ dày hành hạ, chịu không nổi, mẹ phải lén qua nhà ngoại ăn nhờ. Nhiều khi tủi thân mà mẹ chẳng biết than khóc với ai! “Xuất giá tòng phu” mà, biết làm sao được.

Tôi cất tiếng khóc chào đời với tất cả niềm hi vọng của mẹ. Mẹ sẵng sàng chịu nhục vì những lời xúc xiểm, nặng nhẹ của bên chồng chỉ vì ba tôi và tôi. Mẹ tôi là thế đấy. Chỉ gánh vác một mình, chẳng bao giờ hé một lời than với ai.

Rồi tôi được mấy tháng tuổi, người tôi rất yếu. Năm ấy, tôi suýt chết vì một trận bệnh. Ông bà nội tôi kiên quyết không cho đem vào bệnh viện. Tôi được đưa đến bác sĩ tư nhưng vẫn không hết. Nhìn tôi nằm thiêm thiếp mà mẹ tôi ứa nước mắt. Sau cùng, vì quá thương con mẹ tôi bất chấp tất tả đưa tôi vào bệnh viện. Tôi nằm trong phòng hồi sức năm ngày là năm ngày mẹ tôi sống trong thấp thỏm, lo âu. Rồi tôi hồi phục, mẹ tôi càng trở nên xanh xao hơn…

Tôi lớn lên trong nhọc nhằn tủi nhục của mẹ, nỗi vất vả của ba. Và rồi sự chịu khó của ba tôi cũng được đền đáp. Ba tôi đã thành công trong ngành giấy. Ông bắt đầu dọn ra riêng. Tưởng rằng mẹ tôi sẽ có những ngày thư thả. Nhưng, ba tôi càng thành công bao nhiêu, mẹ tôi lại càng vất vả bấy nhiêu. Việc nội trợ vừa lo xong thì chuyển sang phụ giải quyết việc của công ty… Trong khi mẹ vất vả như thế, các chú tôi lại bắt đầu sanh tật, ham chơi cờ bạc, rượu chè, rồi thiếu nợ, phải vay mượn, cầm cố đồ đạc. Ba tôi phải gánh vác, trả thay cho em. Thấy vậy, nhiều lần mẹ tôi cất tiếng khuyên can, chẳng những không nghe, họ còn lớn tiếng nhục mạ và tỏ thái độ coi thường mẹ. Nhiều lần tôi hỏi mẹ tôi: “Mẹ có ghét bên nội con không?”. Mẹ tôi ngậm ngùi: “Tủi lắm con à. Nhưng nào có ai hiểu cho mình”…

Xem thêm:  Qua hai văn bản Tức nước vỡ bờ và Lão Hạc, chứng minh rằng mặc dù gặp nhiều đau khổ bất hạnh, người nông dân trước cách mạng tháng Tám vẫn giữ trọn những phẩm chất tốt đẹp của mình

Năm tôi tám tuổi, em thứ hai tôi chào đời, sự nghiệp của ba tôi càng phát triển, mẹ tôi có phần nhẹ nhàng hơn. Đứa em tôi được xem như châu báu. Tôi bắt đầu có những ý nghĩ ganh ghét em mình. Tôi trở nên lười học, ham chơi nên từ hạng nhất tôi rớt xuống hạng tư. Rồi lần đầu tiên trong đời tôi dám đánh bạn mình. Cứ nghĩ mẹ tôi sẽ trừng phạt vì những gì tôi gây ra. Nhưng không, mẹ tôi chỉ lặng lẽ nhìn tôi, rồi mẹ kể cho tôi nghe về cuộc đời mẹ: “… Mẹ gian khổ nhiều chỉ muốn con cái hạnh phúc. Không mong gì con trả ơn chỉ mong con có thể tự làm chính bản thân con hạnh phúc là mẹ cũng hạnh phúc rồi”. Thật ra, lúc ấy tôi chẳng hiểu hết những điều mẹ nói, nhưng nhìn những giọt nước mắt của mẹ, tôi đã tự nhủ thầm không để mẹ phải buồn khổ vì mình. Và tôi đã thay đổi nhiều từ dạo đó.

Đức em út tôi ra đời trong niềm vui của cả gia đình, một bé trai thật bụ bẫm. Với vai trò chị cả, tôi phải gánh vác trách nhiệm làm gương. Nhiều lúc tôi cảm thấy buồn vì ba mẹ tôi dần xa tôi để lo công việc kinh doanh và chăm sóc hai đứa em nhiều hơn. Những xung đột giữa ba và mẹ xảy ra thường xuyên hơn…Tôi trở nên lặng lẽ và xa cách mẹ. Khoảng cách ấy ngày càng xa hơn, rộng hơn. Tôi không còn muốn tâm sự với mẹ, đi học về là tôi rút vào phòng nghe nhạc, học bài. Cho đến một ngày… một ngày tôi chợt nhận ra tóc mẹ tôi đã có quá nhiều sợi bạc. Mẹ tôi già đi nhiều quá! Trời ơi, tôi mới thảng thốt chợt nhớ rằng chỉ còn ba tháng nữa là mình không còn ở bên mẹ nữa, không còn được mẹ tận tay chăm sóc như ngày nào, không được ăn những món ăn quen thuộc do mẹ nấu. Tôi phải bắt đầu cuộc sống tự lập nơi đất nước Anh xa xôi, cô độc không một người thân. Lúc này tôi mới nhận ra rằng mẹ tôi đã hy sinh cho tôi quá nhiều, và tôi cảm thấy mình có lỗi với mẹ. Tôi tự trách mình tại sao từ trước đến giờ tôi không nói một lời xin lỗi mẹ, dù chỉ một lần? Mẹ tôi có nói: “Nếu con đi mẹ sẽ không khóc” nhưng tôi biết rằng khi tôi đi rồi thì những dòng nước mắt của mẹ lại tuôn rơi như ngày nào còn làm dâu ở nhà nội …

Mẹ tôi là thế đấy. Nếu có ai hỏi về mẹ, tôi sẽ hãnh diện trả lời rằng: Mẹ …

…là người bạn đầu tiên của tôi

…là người cho tôi tình yêu trọn vẹn và tinh khiết mà tôi sẽ không bao giờ nhận được từ ai khác

…là người thầy đầu tiên của con

…là người nhất quyết bảo rằng con đẹp biết bao dẫu rằng con chẳng bằng ai

…là người dẫn dắt tôi nhìn ra thế giới.

…là người luôn yêu thương tôi và yêu vô điều kiện

…là mẫu người tuyệt vời nhất trong cuộc đời tôi

…là người sẵn sàng hy sinh và thứ tha tất cả

…là người không bao giờ đói khi tôi chưa no

…là người không bao giờ ấm khi tôi đang lạnh

…là người không ai có thế thay thế được

…là người …

Và bây giờ tôi chỉ muốn nói với mẹ tôi rằng:

Nhớ năm nào con cũng tặng mẹ một món quà nhân ngày 8-3 nhưng năm nay con không có gì tặng mẹ cả vì con biết rằng những món quà mà con đem tặng ấy không phải do chính con tạo ra, con biết rằng chính con mới là món quà quý nhất của mẹ.

Theo Bailamvan.edu.vn

Post Comment