Cảm nhận về bài thơ Tây Tiến
Tổng hợp những bài làm văn viết cảm nhận về bài thơ Tây Tiến của tác giả Quang Dũng hay nhất của các bạn học sinh giỏi. Mời các bạn đọc tham khảo và dựa vào đây viết cho mình một bài văn cảm nhận về bài thơ Tây Tiến thật hay. Chúc các bạn luôn luôn học tập tốt và đạt thành tích cao.
Cảm nhận về bài thơ Tây Tiến – Bài làm 1
Viết về Tây Tiến – Quang Dũng viết bằng dòng hồi ức. Và trong dòng hồi ức ấy nỗi nhớ đồng đội luôn xao động, gợi về những kỉ niệm, hình ảnh thân thương, tha thiết, sâu lắng. Ta bắt gặp dòng hoài niệm về đồng đội, về những cầm, nỗi lòng người lính Tây tiến qua đoạn thơ:
Cảm nhận về bài thơ Tây Tiến hay nhất
… Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc,
Quân xanh màu lá giữ oai hùm.
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới,
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm.
Rải rác biên cương mồ viễn xứ,
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh,
Áo bào thay chiếu anh về đất,
Sông Mã gầm lên khúc độc hành.
Từ bối cảnh rừng núi hoang vu, hiểm trở trong đoạn đầu bài thơ đến đây hiện lên rõ nét hình ảnh của đoàn chiến binh Tây Tiến:
Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc,
Quân xanh màu lá giữ oai hùm.
Thoạt đầu, câu thơ tưởng như chỉ mang một chút ngang tàng, một chút nghịch đầy chất lính, nhưng càng đọc mới càng thấy hiện thực khắc nghiệt, mới thấy hết những gian nan, khổ ải của đoàn quân Tây Tiến. Không mọc tóc – đó là hậu quả của những cơn sốt rét rừng run người làm tiều tuỵ, làm rụng hết cả tóc của các chiến sĩ. Rồi nước độc, rừng thiêng, bệnh tật hành hạ… tất cả như vắt kiệt sức lực khiến cho quân xanh màu lá giữ oai hùm. Hai câu thơ cho ta thấy được hình ảnh rất thực của các chiến sĩ Tây Tiến khi phải đối phó với bệnh tật: ốm đau rụng tóc… Nhưng không phải vì thế mà họ mất đi vẻ oai phong dữ dội: mắt trừng gửi mộng qua biên giới…"
Đoàn quân mỏi, xanh tựa lá mà vẫn mang oai linh rừng thẳm. Mắt trừng dữ dội là để gửi mộng vượt biên cương và để "đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm". Những người chiến sĩ Tây Tiến hầu hết là những chàng trai thị thành khoác áo lính, nên dù ra đi chiến đấu, dấn thân vào gian khổ, họ vẫn luôn mang và giữ một tâm hồn hào hoa, thanh lịch, đa tình, một tầm hồn đầy thơ mộng. Mơ dáng kiều thơm là mơ dáng vẻ kiều diễm, quyễn rũ, thanh lịch của những người bạn gái thủ đô ngàn năm văn hiến. Có người cho rằng Quang Dũng viết câu thơ này là mộng rớt vì nó không phù hợp với hoàn cảnh kháng chiến. Song thực chất đây là một tình cảm hết sức chân thật của người chiến sĩ, nó mang mang một ý nghĩa nhân văn chân chính bởi thể hiện ước mơ đẹp của con người về một cuộc sống hoà bình, hạnh phúc đẩy người lính ra đi chiến đấu.
Cả đoạn thơ bốn câu thì ba câu trên toàn nói về cái khác thường, oai dữ. Câu thơ thứ tư ngược lại đầy vẻ mềm mại, trữ tình, mơ mộng. Đoạn thơ khắc họa những hiện thực hết sức nghiệt ngã, nhưng lại không chỉ sử dụng phương pháp tả thực, mà thể hiện bằng bút pháp lãng mạn cho ta thấy hình ảnh của người không xanh xao tiều tuỵ mà oai phong dữ dội. Chữ nghĩa và bút pháp của Quang Dũng thật tài hoa. Các chữ không mọc tóc, dữ oai hùm, mắt trừng khắc hoạ rất sâu tư thế chủ động, vẻ kiêu hùng, ngang tàng của những chiến binh Tây Tiến. Hoàn cảnh gian khổ, những thử thách, gian nan của một miền thâm u, hiểm trở không làm cho những người lính Tây Tiến chùn bước, họ vấn giữ ý chí, quyết tâm. Bên cái bi của hoàn cảnh vẫn trỗi lên cái tráng của ngoại hình và tinh thần. Bằng thủ pháp dường như đối lập, Quang Dũng đã vừa khắc họa được vẻ đẹp hào hùng, kiêu dũng, vừa khắc họa được tâm hồn hào hoa và đa cảm của người chiến sĩ Tây Tiến. Núi rừng miền Tây hùng vĩ và hoang sơ, đi trong sự hùng vĩ ấy, sự hoang sơ ấy, những người lính Tây Tiến như được truyền thêm sức mạnh, vững bước vượt qua những gian khổ, hy sinh:
Rải rác biên cương mồ viễn xứ,
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh…
Những người lính Tây Tiến không tiếc đời ra đi chiến đấu cho quê hương, không tiếc đời sẵn sàng hi sinh cho Tổ quốc. Họ ra đi mà vẫn nhớ, vẫn mang theo những tình riêng mơ mộng, khi họ hi sinh thì "áo bào thay chiếu anh về đất". Bằng hai chữ "áo bào”, nhà thơ đã nâng cao giá trị, đã tái tạo được vẻ đẹp cao quý, một vẻ đẹp như những người tráng sĩ xưa nơi những người Tây Tiến, vẻ đẹp ấy làm mờ đi thực trạng thiếu thốn ở chiến trường. Rồi "anh về đất", cái chết nhẹ như không, như về lại những gì thương yêu, thân thuộc ngày xưa, "anh về đất" là để sống mãi trong lòng quê hương, đất nước và sông Mã thay lời núi núi sông cất lên lời ai điếu bi hùng: "Sông Mã gầm lên khúc độc hành".
Nỗi đau thật dữ dội, chỉ một tiếng "gầm than trầm uất", nỗi đau như dồn nén, quặn thắt từ bên trong. Không có nước mắt của đồng đội, chỉ có con sông Mã với nỗi đau cuộn chảy trong lòng, độc hành… chạy ngược vào tim.
Cả đoạn thơ nói đến cái chất thật bi mà cũng thật hùng. Những người lính Tây Tiến đã được nhà thơ khắc họa với nỗi nhớ thương tha thiết, với vẻ đẹp hoang sơ, dữ dội như vẻ đẹp của núi rừng.
Hình ảnh những người lính, tình cảm đồng đội, đồng chí vốn xuất hiện trong thơ ca kháng chiến. Ta vẫn thường bắt gặp những người lính chân chất giản dị, gần gũi trong thơ Chính Hữu:
Áo anh rách vai,
Quần tôi cỏ vài mảnh vú.
Miệng còn cười buốt giá,
Chân không giầy…
Hay trong bài thơ Hồng Nguyên:
Lũ chúng tôi,
Bọn người tứ xứ,
Gặp nhau hồi chưa biết chữ,
Quen nhau từ buổi "một, hai"…
Nhưng với Tây Tiến của Quang Dũng thì khác. Bài thơ đã khắc hoạ không phải là những người lính xuất thân từ những người nông dân cày sâu cuốc bẫm mà là những chàng trai, những học sinh, sinh viên thành thị khoác áo lính. Với Tây Tiến,. Quang Dũng đã đưa người đọc ngược lên một miền thăm thẳm, nơi núi rừng, thiên nhiên mang nét đẹp hoang dại, hiểm trở. Và nổi bật lên trên nền núi rừng miền Tây Bắc ấy là hình ảnh những người lính Tây Tiến vượt lên trên mọi khổ ải, gian lao, toả sáng ý chí anh hùng. Với tám câu thơ chan chứa niềm thương nỗi nhớ da diết, Quang Dũng đã đưa người đọc trở lại một thời Tây Tiến với biết bao đồng đội mến thương của nhà thơ… Tất cả đã giúp Quang Dũng tái tạo và khắc họa hình ảnh oai hùng về người lính Tây Tiến. Với bút pháp tài hoa và giàu tình, nhà thơ đã xây dựng hình ảnh những chiến binh Tây Tiến không chỉ mang vẻ dữ dội, mãnh liệt mà còn mang vẻ đẹp hào hoa, hào hùng thật bi tráng. Và Tây Tiến không chỉ phổ đúng hồn thơ Quang Dũng mà còn sáng lên chất thẩm mĩ hiếm thấy.
Cảm nhận về bài thơ Tây Tiến – Bài làm 2
Những năm tháng khói lửa bom đạn trong chiến tranh gian khổ đã đi qua nhưng những bài thơ, lời ca ca ngợi cuộc kháng chiến hào hùng của dân tộc vẫn còn vang mãi tới bây giờ. Thơ ca thời kỳ kháng chiến luôn khắc họa những hình ảnh chân thực về những con người góp phần làm cho đất nước thống nhất, trong đó có người lính Việt Nam. Tây Tiến của Quang Dũng là một trong những bài thơ hay trong kho tàng thơ ca cách mạng. Đọc bài thơ, người đọc cảm nhận được cảnh vật núi rừng Tây Bắc hùng vĩ mà nên thơ cùng hình ảnh người lính Tây Tiến hào hoa, lãng mạn mà vẫn rất dũng cảm, oai hùng và bi tráng trước sự hi sinh vì tổ quốc.
Bài thơ là nỗi nhớ da diết của nhà thơ Quang Dũng về đoàn quân Tây Tiến nơi ông gắn bó một thời gian dài. Miên man theo nỗi nhớ ấy, nhà thơ đã tái hiện lại hình ảnh núi rừng Tây Bắc rộng lớn, hũng vĩ nhưng cũng rất nên thơ, trữ tình.
“Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”
Con đường hành quân của chiến sĩ là nơi núi cao đến “ngàn thước”, dốc núi sâu “thăm thẳm”, heo hút mà hùng vĩ. Hình ảnh một ngọn núi cao chót vót hiện lên trước mắt người đọc cùng với mây trời bảng lảng trôi lãng đãng cũng rất nên thơ. Thấp thoáng bên dưới những dốc núi cao ấy là hình ảnh những ngôi nhà của dân bản đang lấp ló trong màn “mưa xa khơi”. Vùng đất Mai Châu còn hiện lên thật đẹp trong những “mùa em thơm nếp xôi”. Đọc đến đây, người đọc như hình dung ra những cánh đồng lúa ruộng bậc thang bát ngát, vàng óng báo hiệu một mùa bội thu với hương thơm ngào ngạt của lúa nếp, của bát sôi dẻo quện.
Mảnh đất miền Tây còn hiện lên đẹp đẽ hơn trong những đếm giao lưu văn nghệ với thôn bản trong hình ảnh “Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa”. Đuốc hoa tỏa ánh sáng rực rỡ cho màn đêm núi rừng, màu sắc sặc sỡ của “xiêm áo” các cô gái miền sơn cước tạo nên bức tranh nhiều màu sắc cỏ cả vẻ đẹp núi rừng và sự sống con người nơi đây. Một bức tranh đêm lửa trại ấm áp, vui vẻ với đủ màu sắc, ánh sáng và âm thanh của tiếng “khèn” càng làm thơ Tây Bắc nên thơ hơn bao giờ hết.
Qua cái nhìn của nhà thơ, núi rừng Tây Bắc càng nên thơ như một bức tranh đẹp với nhiều chi tiết nhỏ bé thân thương:
“ Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thầy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người bên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”
Châu Mộc mang một vẻ đẹp huyền bí với những chiều sương giăng lối, lau bên những bến bờ đung đưa trước gió, lấp ló trong màn sương chiều. Đặc biệt, một hình ảnh bé nhỏ nhưng lại giàu sức gợi, đó là những bông hoa rừng như hoa mơ, hoa mận, hoa lan…đang “đung đưa” theo “dòng nước lũ”. Hình ảnh rất đỗi thân thương ấy cũng góp phần tạo nên một thiên nhiên nơi núi rừng miền Tây đẹp đẽ, nên thơ, hữu tình.
Cùng hình ảnh đẹp về thiên nhiên nơi núi rừng Tây Bắc và cuộc sống sinh hoạt cộng đồng của con người nơi đây, bài thơ cũng khắc họa được hình ảnh những người lính Tây Tiến hào hoa, tâm hồn trẻ trung và cũng rất quả cảm, bi tráng.
Những người lính Tây Tiến xuất thân từ trí thức trẻ, là những người học sinh, sinh viên gác bút nghiên lên đường chiến đấu vì lý tưởng cao đẹp, độc lập tự do cho dân tộc Việt Nam. Bởi thế, tâm hồn họ rát tinh tế, trẻ trung là một điều dễ hiểu. Với sự trẻ trung trong tâm hồn, người lính luôn nhìn cuộc sống một cách lạc quan, đứng trên đỉnh núi cao như chạm tới mây trời, họ hài hước ví von “súng ngửi trời”. Gặp bệnh tật nơi rừng hoang, sương muối khiến các anh có bị rụng tóc, hay làn da xanh xao vàng vọt, thì người lính vẫn có cái nhìn lạc quan:
“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá giữ oai hùm”
Những người lính trong đoàn binh Tây Tiến yêu đời là vậy, họ còn lãng mạn bay bổng lắm. Phải có một cái nhìn tinh tế và tâm hồn lãng mạn, người lính mới cảm được cái vẻ đẹp của “mùa em thơm nếp xôi”, cảm được vẻ đẹp của “chiều sương”, của “hồn lau” cùng những bông hoa nhỏ xinh “đong đưa” trôi trên “dòng nước lũ”. Và phải thật lãng mạn họ mới có những giấc mơ bay bổng “đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”. Mơ về dáng kiều thơm cũng chính là nỗi nhớ về những người con gái Hà Nội, nhớ về đất Hà thành nơi các anh gắn bó những ngày tới trường.
Tâm hồn trẻ trung, lãng mạn của người lính còn được khắc họa trong những buổi giao lưu văn nghệ ấm tình quân dân:
“Doanh trai bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viêng Chăn xây hồn thơ”
Người lính cũng say sưa, vui vẻ hòa mình vào không gian của lễ hội Tây Bắc. Vẻ đẹp của cảnh sắc và con người lung linh khiến những người lính trở nên ngỡ ngàng thốt lên “kìa em”. Qua cái nhìn của các anh, những bó đuốc sáng rực như những bông hoa phát sáng lung linh. Từ những tiếng khèn, tiếng nhạc, người lính mơn man xây lên những “hồn thơ” đẹp đẽ, trong sáng. Hai từ “hồn thơ” lại càng khẳng định vẻ lãng mạn, chất thi sĩ trong tâm hồn những người lính xuát thân từ trí thức này.
Vẻ đẹp của người lính Tây Tiến trở nên đẹp đẽ hơn, như khúc ca tráng lệ về sự hào hùng, bi tráng trước sự hi sinh bất tử:
“Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Aó bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành”
Nơi khói lửa can qua, sau những trận đánh lớn, biết bao người lính hiên ngang đã ngã xuống. Hình ảnh “ biên cương mồ viễn xứ” đều sử dụng các từ hán việt khiến câu thơ mang một màu sắc cổ kính hơn, bi hùng hơn. Câu thơ gợi lên một bức tranh về những nấm mồ rải rác nơi biên ải xa xôi sau những trận đánh ác liệt. Nhưng nói lên hiện thực ấy để nhà thơ khẳng định một điều rằng người linh dù hi sinh vẫn không hề nuối tiếc “chẳng tiếc đời xanh”. Nó như một lời thề sắt son của các anh, nguyện “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”. Người chiến sĩ ra đi cũng thật hiên ngang như những vị tướng sĩ ngày xưa, về với đất mẹ kính yêu. Câu thơ “sông Mã gầm lên khúc độc hành” mang một vẻ đẹp thật hào hùng, nó giống như một khúc ca vang lên thống thiết tiễn đưa những người lính. “Sông Mã” cũng như cả đất nước thổn thức “gầm lên” trước sự ra đi ấy, nó cũng thể hiện sự đau đớn biến thành sức mạnh để những người lính, những người đồng đội của các anh tiếp tục chiến đầu cho tổ quốc tự do, độc lập. Tới đây, mạch thơ như trào dâng mãnh liệt, kết thúc với một “khúc độc hành” tạo nên bức tượng đài bi tráng về người lính Tây Tiến.
Bài thơ Tây Tiến đã rất thành công khi tái hiện thành công vẻ đẹp thiên nhiên, con người nơi núi rừng Tây Bắc, đồng thời khắc họa vẻ đẹp trẻ trung, lạc quan, tâm hồn lãng mạn cùng bức tượng đài bi tráng vế người lính Tây Tiến. Tây Tiến khép lại trong âm hưởng hào hùng, bi tráng như một khúc tráng ca về một thời đạn bom đã đi qua nhưng còn sống mãi trong triệu triệu trái tim người Việt.
Cảm nhận về bài thơ Tây Tiến – Bài làm 3
Khi nhắc đến Tây Tiến chúng ta không thể quên được hồn thơ vừa hào hung lại vừa mang đậm thiên hướng lãng mạn mà Quang Dũng đã gửi gắm qua những vần thơ. Những năm tháng chiến tranh đã đi qua nhưng những kí ức về nó vẫn được khắc họa rõ nét thông qua giọng thơ vừa trầm ấm lại vừa tình cảm. Qua những vần thơ ấy ta thấy hiện lên khúc độc hành ca đi cùng năm tháng, người đã ra đi nhưng chắc chắn tinh thần và ngọn lửa nhiệt huyết của tuổi trẻ vẫn còn ở lại. Tây Tiến đã trở thành một hiện tượng, hiện tượng đó không chỉ nổi tiếng mà còn có sức truyền cảm hứng đến cả những thế hệ sau này. Thơ Quang Dũng hồn hậu, mang vẻ đẹp vừa hào hoa lại vừa phóng khoáng, nổi bật lên đó chính là hình ảnh và vẻ đẹp bi tráng của những người lính Tây Tiến.
Bom đạn đã đi qua nhường lại màu xanh cho hòa bình cho tự do, xóa tan đi nỗi đau mất mát của một thời kì máu lửa. Những cơn đau kéo dài, những cơn ốm và cả những thiếu thốn trầm trọng trong lúc tham gia chiến đấu, khát vọng tình yêu, được sống được cống hiến lại bồi hồi trong những trái tim người lính trẻ, trực tiếp tham gia chiến đấu tại chiến trường gian khổ. Những câu thơ mở đầu giống như những lời của năm tháng vọng về, từ những năm tháng chiến đấu gian nan,những con người ấy qua tiếng vọng thời gian trở nên sống động và chân thực hơn bao giờ hết. Người chiến sĩ mà chúng ta biết đến không hề khô khan cũng không hề bi quan về cuộc sống của mình mà vẫn luôn tin tưởng vào một ngày mai tươi sáng, đôi lúc còn đáng yêu và lãng mạn tới bất ngờ giống như câu thơ ” đêm nằm gửi mộng qua biên giới”. Khốc liệt là thế nhưng ai ngăn được những tình cảm ấy những suy nghĩ vô tư và yêu đời ấy của các anh
Xuất thân là những chàng trai của vùng đất hào hoa phong nhã, những con người sinh ra từ mảnh đất Hà Thành nay phải khoác áo lính dấn thân vào chiến đấu, vào gian khổ, nhưng họ không thể nào trút bỏ được tâm hồn hào hoa, thanh lịch, đa tình, một tầm hồn đầy thơ mộng.
“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đem hơi”
Tác giả đã dùng biến pháp nghệ thuật điệp vần ở cuối mỗi câu thơ nhằm mang lại cảm giác vang vọng sau từng mỗi câu thơ. Những câu thơ vang lên như vang dội và vọng lại núi rừng khiến cho cả núi rừng cũng như ngâm nga những câu thơ của Quang Dũng. Hiện lên trong khổ thơ chính là những địa danh khá nổi tiếng của vùng đất mà những người lính đã từng đi qua. Những gian nan mà người lính trải qua càng tô đẹp thêm vẻ đẹp bi tráng của họ. Tiếp nối những địa danh, tiếp nối đoàn quân nối đuôi dài trên những miền núi chính là những khó khăn gian khổ cũng không kém phần nguy hiểm và khốc liệt. Cuộc sống của họ gắn liền với núi đồi với cả bom đạn và cả sườn dốc thăm thẳm. Có những triền dốc khiến người ta mới nhìn đã thấy ngại, hai từ thăm thẳm trong câu thơ khiến độ hun hút của những con dôc lại càng trở nên nguy hiểm biết bao nhiêu.chưa dừng lại đó,những hình ảnh hun hút, đầu súng của những người lính đang đùa giỡn vấy mây trời.
“Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây, súng ngửi trời”
Gian nan ấy nói ra không chỉ đó đó, không chỉ để kể lại mà còn để mở ra những nét đẹp tính cách của người lính Tây Tiến. Những phút giây bỏ lại khó khăn bỏ lại mệt nhọc mà ngủ quên đời..Hình ảnh người lính gục lên súng mũ dãi dầu không bước nữa là một hình ảnh đẹp. Nhắc đến cái chết chính là nhắc đến thương đau và mất mát nhưng thông qua cách nói của tác giả, câu thơ dường như giảm đi sự đau đớn của cái chết, và sự hi sinh của những người chiến sĩ ấy. Các anh đi rồi nhưng không phải vậy mà những người ở lại nhụt chí, quên đi nhiệm vụ của chính mình, mà sự ra đi ấy làm nổi bật vẻ đẹp bi tráng của những người lính, ” bỏ quên đời” nhẹ nhõm trút bỏ khó khăn gian khổ, càng khắc họa kí ức và vẻ đẹp bi tráng của người lính tây tiến.
Bài thơ còn khắc họa những sự thật khô khan ở chiến trường mà chỉ có những người trực tiếp chiến đấu mới có thể hiểu được mức độ hủy diệt của nó là như thế nào. KHông chỉ có những câu chuyện về bệnh tật, mà còn là những câu chuyện về bệnh tật và nơi khí hậu khắc nghiệt cũng được đưa vào trong thơ của Quang Dũng. Bài thơ được viết ra, tác giả với tâm thế không một chút giấu diếm, sự thiếu thốn hay những căn bệnh như sốt rét, khiến cả binh đoàn bị rụng hết tóc, quang Dũng đãkhai thác một vẻ đẹp hết sức chân thực của người lính Tây tiến. Tác giả muốn nhấn mạnh rằng dù khó khăn khắc nghiệt nhưng tinh thần chiến đấu chưa bao giờ kết thúc. Không những thế,hình ảnh quân xanh màu lá là những hình ảnh gầy gò ốm nhưng không hề yếu mà vẫn dữ oai hùm. Anh mắt hiện lên lửa hi vọng và tinh thần chiến đấu oai hùng, không một chút phó mặc cho số phận, cũng có thể đó chính là sự thức trắng không ngủ được vì lo cho biên giời hoặc mở mắt để nhớ những bóng kiều thơm kia.
Với việc sử dụng biện pháp đối, nhà thơ Quang Dũng đã vừa khắc họa được vẻ đẹp hào hùng, kiêu dũng, vừa khắc họa được tâm hồn hào hoa và đa cảm của người chiến sĩ Tây Tiến. Chúng ta có thể thấy núi rừng miền Tây hùng vĩ và hoang sơ, đi trong sự hùng vĩ ấy, sự hoang sơ ấy, và những người lính Tây Tiến như được truyền thêm sức mạnh, vững bước vượt qua những gian khổ, hy sinh:
Rải rác biên cương mồ viễn xứ,
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Những người lính tây tiến không sợ hi sinh bản thân họ, nếu có thể họ không tiếc hi sinh thân mình để bảo vệ những người thân yêu mình ở hậu phương. Họ ra đi mà vẫn nhớ, vẫn mang theo những tình riêng mơ mộng, khi họ hi sinh thì “áo bào thay chiếu anh về đất.. Đất mẹ chính là nơi các anh sinh ra cũng là nơi mà các anh về, đất mẹ che chở cho các anh mãi mãi yên bình với giấc ngủ ngàn thu của mình. Một lần nữa, hình ảnh sông Mã hiện ra, gầm lên khúc hành ca, như kính cẩn tiễn đưa linh hồn các anh, không phải là sự chơi vơi nữa mà là tiếng gầm, nó càng tạo nên chất tráng cho bài thơ.
Lấy cảm hứng từ cuộc sống chân thực mà chính bản thân tác giả trải qua,những chàng trai, những học sinh, sinh viên thành thị khoác áo lính. Thêm một lần nữa Quang Dũng đã đưa chúng ta về với tây Tiến với những kí ức vừa lãng mạn vừa bi tráng. Dưới ngòi bút hào hoa của Quang Dũng những hình ảnh về những người lính Tây Tiến vừa hồn hậu,giản dị lại hết sức khí phách.Qua đây ta cũng thấy được những vẻ đẹp bi tráng của những chiến binh tây tiến, cảm nhận được như thế chúng ta càng thêm yêu hơn những con người vì quê hương đất nước.
Cảm nhận về bài thơ Tây Tiến – Bài làm 4
Thơ ca chống Pháp, chống Mỹ nói nhiều về hình ảnh người lính. Có người lính lạc quan ngồi “xe không kính” trong thơ Phạm Tiến Duật, có người lính bình lặng gác súng trong thơ Chính Hữu… Nhưng với tôi người lính trong bài thơ “Tây Tiến” của Quang Dũng là đẹp hơn cả. Bài thơ ấn tượng trong cả nội dung và hình thức thể hiện.
Quang Dũng (1921-1988) là cây bút vô cùng tài hoa, phóng khoáng, lãng mạn. Bài thơ “Tây Tiến” được sáng tác năm 1948 tại làng Phù Lưu Chanh. Khi đó, nhà thơ vừa rời khỏi đơn vị cũ Tây Tiến, chuyển sang hoạt động tại đơn vị khác đã nhớ và viết lên bài thơ này. Bài thơ không chỉ vẽ lên khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ mà còn khắc họa hình ảnh người lính vô cùng bi tráng.
Bài thơ cất lên bởi một tiếng gọi tha thiết, đầy âm hưởng vang vọng:
"Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi”
Tiếng gọi tên sông Mã, tên đoàn quân Tây Tiến gợi về một mảng kí ức sâu thẳm trong tâm hồn. Tây Tiến là tên một đơn vị bộ đội thời chống Pháp thành lập năm 1947, hoạt động chủ yếu ở vùng biên giới Việt-Lào. Nhiệm vụ của binh đoàn là phối hợp với bộ đội Lào, tiêu hao sinh lực quân Pháp ở vùng Thượng Lào và Tây Bắc Việt Nam.
Câu thơ thứ hai với điệp ngữ “nhớ”, gieo vần lưng “rồi”-“ơi”, vần chân “ơi”-“với” tạo cảm giác như một tiếng gọi vô cùng thân thương, vang vọng. Tác giả như đang gọi về những năm tháng gian khổ, hi sinh mà nghĩa tình.
Nỗi “nhớ chơi vơi” ở đây cũng rất đặc biệt. Nỗi nhớ ấy không thể cân, đo, đong, đếm nhưng lại vô cùng da diết, ám ảnh. Hơn nữa, nối nhớ như đang hiện lên trùng trùng điệp điệp, mơ hồ như sương núi, phảng phất như mưa rừng.
Đoạn thơ tiếp theo tác giả đi vào đặc tả thiên nhiên và con người trong nỗi nhớ, hiện về vừa huyền ảo vừa dữ dội.
"Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi
Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi."
Một loạt các địa danh được tác giả liệt kê như: Sài Khao, Mường Lát, Pha Luông. Nó gợi về những tháng ngày đoàn binh hoạt động trải dài từ Sơn La, Hòa Bình, miền tây Thanh Hóa đến Sầm Nưa (Lào). Đó là tên những ngọn núi, con sông, tên bản làng… mà họ đã đi qua. Đó cũng chính là không gian thấm đượm nghĩa tình, gắn bó. Những mảnh đất xa xôi, hẻo lánh, chưa có dấu chân người hiện ra trước mắt người đọc vô cùng hiểm độc, nguy nan thông qua các từ gợi hình: sương lấp, khúc khuỷu, thăm thẳm, heo hút, ngàn thước, mưa xa khơi.
Trong khi đó, hình ảnh người lính thì hiện lên trong tình trạng “đoàn quân mỏi” và “súng ngửi trời”. Đoàn quân mỏi mệt, đuối sưc giữa trời đất hoang sơ, lạnh giá. Làm sao mà không mỏi cho được giữa “rừng thiêng nước độc” đầy sương giá, sườn dốc, vực sâu, mưa mù đây? Chi tiết “súng ngửi trời” dường như lại lật ngược tâm trạng. Mỏi mệt là thế, nhưng người lính vẫn như đang đứng ở nơi cao nhất, mũi súng có thể chạm tới bầu trời. Người lính tựa như đang làm chủ không gian, làm chủ hoàn cảnh.
Người lính tiếp tục xuất hiện trong tình cảnh hiểm nghèo:
"Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời
Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người
Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi."
Người lính lúc này đã “không bước nữa” và “gục lên súng mũ bỏ quên đời”. Họ đã kiệt sức. Họ trở về với đất mẹ. Nhưng điều đặc biệt là, Quang Dũng nói về cái chết thật nhẹ nhàng mà xúc động biết mấy. Người lính phải bỏ lại cả tuổi xuân, cuộc đời nhưng họ tựa như chỉ vừa đi vào giấc ngủ bình yên. Trong giấc mơ đó chỉ còn hình ảnh bình dị, thân thương. Đó là hình ảnh nấu cơm chiều đầy khói tỏa của bản làng. Đó là hình ảnh xôi nếp thơm mùi quê hương. Đó là hình ảnh “em” – người con gái miền Tây khéo léo, tần tảo, thủy chung. Con người bình yên, nhưng thiên nhiên lại gào thét. Thác cũng giận dữ trước cuộc chiến tranh phi nghĩa cướp đi cuộc đời của bao con người.
"Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ.”
Đoạn thơ vẽ lên bức tranh đêm hội đuốc hoa rực rỡ ánh sáng và đậm tình quân – dân. Một loạt các từ diễn tả khung cảnh đêm hội được tác giả sử dụng rất hiệu quả như: bừng, đuốc hoa, xiêm áo, khèn lên, man điệu, e ấp, nhạc, hồn thơ. Bức tranh đêm hội đậm chất thi, ca, nhạc, họa và cả tình cảm vô cùng ngây thơ, trong sáng của những người lính.
“Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có nhớ hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa."
Bức tranh thiên nhiên từ đêm hội đuốc bất ngờ chuyển sang Tây Tiến kì ảo trong buổi chiều sương. Thiên nhiên với những bông lau trắng như đang đung đưa hai bên bờ tiền sử, soi bóng xuống mặt hồ. Còn con người cũng đẹp tương xứng với bức tranh thiên nhiên đó.
Và rồi qua rất nhiều cung bậc cảm xúc của nỗi nhớ thơ mộng, hiện thực một lần nữa ùa về:
“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc,
Quân xanh màu lá giữ oai hùm.
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới,
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm.
Rải rác biên cương mồ viễn xứ,
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh,
Áo bào thay chiếu anh về đất,
Sông Mã gầm lên khúc độc hành.”
Đến đây, sự khắc nghiệt của bão lửa chiến tranh và thiên nhiên độc hiểm càng trở nên khủng khiếp. Bệnh dịch, thời tiết khắc nghiệt, đời sống vật chất thiếu thốn khiến đoàn binh “không mọc tóc”, nét mặt xanh xao “giữ oai hùm”. Ấy vậy mà người lính đâu đó vẫn chan chứa tình thương. Người lính luôn đau đáu hướng về quê hương xa xôi, nhìn về bên kia biên giới để mà mơ “dáng kiều thơm” – những người con gái sắc sảo, thảo thơm đất Hà Thành. Vì tình yêu quê hương đất nước, vì ai đó đang ở nơi xa ngóng chờ mà người lính cầm súng bảo vệ cho họ bầu trời bình yên.
Với người lính Tây Tiến, cái chết không đáng sợ. Câu thơ “Rải rác biên cương mồ viễn xứ” miêu tả những nấm mồ rải rác của những người đồng đội đã hi sinh nơi biên giới đất trời. Những người lính phải bỏ mạng nơi chiến trường chỉ có độc manh chiếu quấn quanh rồi đắp nắm đất làm nơi an nghỉ. Nghiệt ngã nhưng người lính lại vô cùng quật cường, “chẳng tiếc đời xanh”. Xa xa, tiếng thác dội của con sông Mã có dòng chảy “ngược” vẫn đang “gầm lên khúc độc hành”. Âm thanh kết thúc bài thơ thật bi tráng!
Bài thơ “Tây Tiến” là khúc ca bi tráng về người lính thời chống Pháp cũng đã thể hiện sự tài hoa của ngòi bút nhà thơ Quang Dũng. Em đã yêu người lính từ những câu thơ như thế!
Cảm nhận về bài thơ Tây Tiến – Bài làm 5
Những vần thơ hào hoa vang lên đi vào lòng người trở thành những lời cảm xúc ngọt ngào đi cùng năm tháng. Và vẫn còn đó, tây tiến vang lên như một khúc hành ca của những người lính. Nó là một trong những bài thơ hay đầy cảm xúc, những vần thơ ấy vang lên vẫn giống như một khúc ca đi cùng năm tháng, Tây Tiến đã trở thành một hiện tượng trong thơ Quang Dũng, cũng là một trong những bài thơ hay nhất viết về người lính. Những câu thơ mang một vẻ hào hoa, mang một phong cách hồn hậu,phóng khoáng. Không những thế qua bài thơ Tây Tiến chúng ta thấy được vẻ đẹp bi tráng của những người lính Tây Tiến và về một thời hào hùng đã qua đi.
Một thời đạn bom đó đã để lại nỗi ám ảnh cho những người trực tiếp tham gia chiến đấu. Những câu thơ mở đầu giống như những lời của năm tháng vọng về, từ những năm tháng chiến đấu gian nan,những con người ấy qua tiếng vọng thời gian trở nên sống động và chân thực hơn bao giờ hết. Những cơn bệnh những buổi liên hoan những đêm nằm gác “ gửi mộng qua biên giới” và có cả những sự mơ mộng của những người lính trẻ tuổi và đầy nhiệt thành. Càng đọc chúng ta nhưng càng đọc mới càng thấy hiện thực khắc nghiệt, mới thấy hết những gieo neo, khổ ải của đoàn quân Tây Tiến
Giữa cái gay gắt những hình ảnh của người lính hiện ra vừa hồn nhiên vừa đáng để chúng ta trân trọng. Vốn xuất thân là những chàng trai đất Hà thành trong thời gian chiến tranh nên khoác áo lính thay áo của những nam sinh viên tới chiến trường chiến đấu, dù ra đi chiến đấu, dấn thân vào gian khổ, họ vẫn luôn mang và giữ một tâm hồn hào hoa, thanh lịch, đa tình, một tầm hồn đầy thơ mộng.
“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đem hơi”
Những khó khăn của những người lính tây tiến lại trở nên đẹp đẽ và nên thơ trong những vần thơ của Quang Dũng. Đó là những gian nan mà những người lính phải trải qua, chính những gian nan đó lại càng tô đậm vẻ đẹp bi tráng của họ… những triền dốc khiến người ta mới nhìn đã thấy ngại, hai từ thăm thẳm trong câu thơ khiến độ hun hút của những con dôc lại càng trở nên nguy hiểm biết bao nhiêu.chưa dừng lại đó,những hình ảnh hun hút, đầu súng của những người lính đang đùa giỡn vấy mây trời
“Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây, súng ngửi trời”
Những gian nan khó khăn ấy mở nguồn cho hình ảnh đẹp vi tráng của những người lính ấy. Cũng có những lúc sự hồn nhiên của người lính được thể hiện qua những giây phút mệt mỏi,gục lên ba lô và ngủ,bỏ lại sau đó những khó khăn vất vả, những hiểm nguy của kháng chiến.Hình ảnh người lính gục lên súng mũ dãi dầu không bước nữa là một hình ảnh đẹp. Câu thơ nhằm nói giảm đi cái chết, cái hi sinh của những người chiến sĩ ấy. Đó là một vẻ đẹp bi tráng, cái hi sinh kia là bi nhưng trong cái bi ấy ta lại thấy một cái tráng lệ vô cùng. Họ có thể hi sinh nhưng trong một tư thế rất nhẹ nhõm, “ bỏ quên đời” những kí ức về những lúc dừng chân mệt mỏi, những kỉ niệm với những buổi chiều và ban đêm với những con thú dữ gầm rú lên, nhớ những đem mùa nếp xôi ở Mai Châu.
Không chỉ khó khăn trên chiến trường chiến đấu, những câu chuyện về bệnh tật và nơi khí hậu khắc nghiệt cũng được đưa vào trong thơ của Quang Dũng. Không một chút giấu giếm, sự thiếu thốn hay những căn bệnh như sốt rét, khiến cả binh đoàn bị rụng hết tóc, quang Dũng đã khai thác một vẻ đẹp hết sức chân thực của người lính Tây tiến, dù khó khăn khắc nghiệt nhưng tinh thần chiến đấu chưa bao giờ kết thúc. Hình ảnh quân xanh màu lá là những hình ảnh gầy gò ốm nhưng không hề yếu mà vẫn dữ oai hùm. Mắt trừng gợi cho ta liên tưởng đến sự căm thù giặc của những anh hùng tây tiến. Những ánh mắt hiện lên lửa hi cọng và tinh thần chiến đấu oai hùng, không một chút phó mặc cho số phận, cũng có thể đó chính là sự thức trắng không ngủ được vì lo cho biên giời hoặc mở mắt để nhớ những bóng kiều thơm kia..Đó sự hi sinh của những người chiến sĩ ấy, họ phần lớn là những trí thức Hà Thánh ngày đêm nghĩ đến quê nhà với những bóng hồng mà không bao giờ mờ nhạt trong lòng họ..
Với việc sử dụng biện pháp đối, nhà thơ Quang Dũng đã vừa khắc họa được vẻ đẹp hào hùng, kiêu dũng, vừa khắc họa được tâm hồn hào hoa và đa cảm của người chiến sĩ Tây Tiến. Chúng ta có thể thấy núi rừng miền Tây hùng vĩ và hoang sơ, đi trong sự hùng vĩ ấy, sự hoang sơ ấy, và những người lính Tây Tiến như được truyền thêm sức mạnh, vững bước vượt qua những gian khổ, hy sinh:
Rải rác biên cương mồ viễn xứ,
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh…
Những người lính tây tiến không sợ hi sinh bản thân họ, nếu có thể họ không tiếc hi sinh thân mình để bảo vệ những người thân yêu mình ở hậu phương. Họ ra đi mà vẫn nhớ, vẫn mang theo những tình riêng mơ mộng, khi họ hi sinh thì “áo bào thay chiếu anh về đất.. Đất mẹ chính là nơi các anh sinh ra cũng là nơi mà các anh về, đất mẹ che chở cho các anh mãi mãi yên bình với giấc ngủ ngàn thu của mình. Một lần nữa, hình ảnh sông Mã hiện ra, gầm lên khúc hành ca, như kính cẩn tiễn đưa linh hồn các anh, không phải là sự chơi vơi nữa mà là tiếng gầm, nó càng tạo nên chất tráng cho bài thơ.
Lấy cảm hứng từ cuộc sống chân thực mà chính bản thân tác giả trải qua,những chàng trai, những học sinh, sinh viên thành thị khoác áo lính. Thêm một lần nữa Quang Dũng đã đưa chúng ta về với tây Tiến với những kí ức vừa lãng mạn vừa bi tráng. Dưới ngòi bút hào hoa của Quang Dũng những hình ảnh về những người lính Tây Tiến vừa hồn hậu,giản dị lại hết sức khí phách.Qua đây ta cũng thấy được những vẻ đẹp bi tráng của những chiến binh tây tiến, cảm nhận được như thế chúng ta càng thêm yêu hơn những con người vì quê hương đất nước.
Cảm ơn các bạn các bạn vừa đọc xong top những bài làm văn viết cảm nhận về bài thơ Tây Tiên của tác giả Quang Dũng hay nhất. Chúc các bạn có được một bài văn viết cảm nhận về bài thơ Tây Tiến thật hay và đạt được điểm cao nhé.